Kháng sinh là những chất chiết xuất từ các vi sinh vật, nấm được tổng hợp hay bán tổng hợp theo phương pháp hóa học. Có thể tiêu diệt hẳn hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn với cơ chế tác động ở cấp độ phân tử, nhắm vào một cơ quan hay một quá trình tổng hợp nào đó của vi khuẩn gây bệnh.
Tuy nhiên kháng sinh ngày càng bị người nuôi lạm dụng dẫn đến biến tướng nghiêm trọng. Gây nhiều hậu quả lớn đáng kể như làm vi khuẩn kháng kháng sinh, gây mất cân bằng hệ sinh thái của môi trường nuôi, tồn dư lượng lớn kháng sinh trong các lô hàng thủy sản xuất khẩu, quan trọng hơn là ảnh hưởng tới sức khỏe con người khi tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng và bị tích lũy nhiều trong cơ thể. Một số loại kháng sinh cấm có khả năng gây ung thư, mù mắt vĩnh viễn và nặng hơn là có thể dẫn đến tử vong khi trong cơ thể có lượng tích lũy cao.
Hiện nay trên thị trường, rất nhiều loại kháng sinh cấm, không rõ nguồn gốc được bày bán. Với việc mật độ nuôi ngày càng cao, môi trường ngày càng ô nhiễm, mầm bệnh thì càng lúc càng gia tăng độc lực thì kháng sinh cũng bị lạm dụng nhiều hơn. Kháng sinh được xem như một chất kích thích tăng trưởng trong suốt quá trình nuôi, được trộn vào thức ăn cho vật nuôi mỗi ngày. Vấn đề là ý thức của người nuôi còn hạn chế hoặc dù biết rõ nguy hiểm nhưng vẫn lạm dụng. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kháng sinh trong thủy sản hoàn toàn có thể thay thế được. Đã đến lúc phải thay đổi vậy tại sao không thực hiện?
Chế phẩm sinh học hay còn gọi là men vi sinh là những vi sinh vật sống có lợi với hai tác dụng chính là xử lý môi trường và bổ sung vào thức ăn để cải thiện sức khỏe vật nuôi.
Dạng men vi sinh đường ruột sẽ biến đổi hệ vi sinh vật hiện có của vật nuôi, cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn và hỗ trợ tiêu hóa. Ở đây chúng sẽ cạnh tranh thức ăn và vị trí bám với các vi khuẩn có hại ở thành ruột, tăng sinh. Sau đó sẽ tiết acid lactic ức chế vi khuẩn trong môi trường pH thấp. Ngoài ra các chủng vi sinh vật có lợi này còn tổng hợp các vitamin nhóm B, K góp phần hỗ trợ tiêu hóa.
Với phương pháp sinh học, chúng sẽ tiết các chất dạng kháng sinh tự nhiên có khả năng ức chế hoạt động của các vi khuẩn có hại. Có thể kể đến như lactoferrin với bản chất là một protein kháng khuẩn, lysozyme là một enzyme tiêu hóa có khả năng tiêu hủy thành tế bào của vi khuẩn gây bệnh và bacteriocins là chất kháng khuẩn hữu hiệu được sinh ra bởi vi khuẩn lactic.
Bên cạnh đó, một tính năng vượt trội khi vào đường ruột của các vi khuẩn có lợi này là kích hoạt hệ thống miễn dịch để phòng bệnh từ xa cho vật nuôi. Tôm cá sẽ xem các vi sinh vật này là mầm bệnh và truyền tín hiệu đồng loạt để các thành phần của hệ thống miễn dịch ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Và khi mầm bệnh thật sự xâm nhập, hệ miễn dịch đã được kích hoạt sẽ hoạt động một cách mạnh mẽ hơn. Bio Bactil là dạng vi sinh đường ruột bao gồm loài vi khuẩn thuộc nhóm Bacillus, Lactobacillus, Saccharomyces… bảo vệ đường ruột, giúp thức ăn tiêu hóa nhanh hơn, tăng sức đề kháng.
Dạng thứ 2 là men vi sinh để xử lý môi trường, vi sinh vật sẽ chuyển đổi khí độc trong ao, phân hủy chất hữu cơ đáy ao. Thường gặp nhất là vi khuẩn Nitrosomonas và Nitrobacter, chúng có khả năng chuyển đổi khí độc NH3 và NO2 thành NO3 không độc, cải thiện môi trường sống của vật nuôi, duy trì một hệ sinh thái ổn định hơn, tăng năng suất nuôi trồng. Vì đáy ao tích lũy nhiều chất hữu cơ sẽ là nơi trú ẩn của mầm bệnh, nên nếu môi trường ổn định, mầm bệnh sẽ khó có điều kiện mà tăng sinh gây bệnh. Với những dòng vi khuẩn bền nhiệt, chịu mặn cao, xử lý môi trường với Sivibac còn giúp phát triển nguồn thức ăn tự nhiên trong ao và cân bằng sinh học.
Probiotic sẽ giúp vật nuôi phòng và chữa bệnh theo theo phương pháp “lấy độc trị độc”- lấy vi khuẩn ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Khi sử dụng chế phẩm sinh học nên lựa chọn những dòng dễ tăng sinh và đặc hiệu đối với mục đích sử dụng. Lưu ý với dạng chế phẩm sinh học đường ruột, có thể cung cấp trong suốt quá trình nuôi thông qua việc bổ sung vào thức ăn. Xử lý nước với chế phẩm sinh học không được dùng chung với các hóa chất diệt khuẩn.
Với sự tiến bộ trong công nghệ sinh học phân tử và bề dày lịch sử về hiệu quả của các chiết xuất thảo dược, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng thảo dược không chỉ có thể thay thế kháng sinh, mà còn có tác dụng tốt hơn những gì kháng sinh đã và đang làm được trong nuôi trồng thủy sản. Các chế phẩm thảo dược khi được sử dụng sẽ kiểm soát dịch bệnh vì chúng có chứa các thành phần hoạt tính với chất chống oxy hoá, chống vi khuẩn, chống stress, kích thích tăng trưởng, kích thích sự thèm ăn, tăng cường miễn dịch và kích thích sinh sản. Các nghiên cứu về chiết xuất thảo dược ngày càng nhiều, nhiều loại thảo dược cũng ra khỏi phòng thí nghiệm đi vào các trại nuôi và được sử dụng một cách phổ biến, hứa hẹn sẽ có thể thay đổi hoàn toàn kháng sinh trong thời gian tới.
Đặc biệt nhất là tỏi, từ rất lâu tỏi không chỉ được xem là gia vị mà còn được biết đến như một loại thảo dược đa năng, nguồn kháng sinh tự nhiên trong việc phòng và điều trị bệnh trên người và cả động vật thủy sản. Thành phần kháng khuẩn trong tỏi là các hoạt chất chứa lưu huỳnh quan trọng nhất là allicin. Khi tỏi được nghiền nát hay đập dập allicin sẽ sinh ra, đây là một hoạt chất diệt khuẩn phổ rộng, ức chế một số quá trình tổng hợp của vi khuẩn, từ đó kìm hãm hoạt động hay tiêu diệt luôn vi khuẩn gây bệnh. Tinh dầu tỏi đã được sử dụng phổ biến trong thủy sản hiện nay, hiệu quả đã được chứng minh bằng việc phòng trị các bệnh gây ra bởi vi khuẩn vibrio trên tôm, các bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophila và Edwardsiella tarda trên cá. Với tinh dầu tỏi tươi Licin garlic liều 2ml/kg thức ăn sẽ kiểm soát lượng vi khuẩn trong cơ thể tôm nuôi, tăng sức đề kháng và bảo vệ đường ruột tôm.
Cây Diệp Hạ Châu (chó đẻ) là một loại thảo dược phổ biến trong dân gian, ở Việt Nam chúng mọc hoang dại khắp nơi. Loài diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus Schum) có dược tính mạnh nhất trong họ cây này. Trong các chiết xuất của cây đặc biệt là flavonoids có phổ hoạt tính rất rộng giúp kháng viêm, kháng nấm, chống oxy hóa, bảo vệ hoạt tính của vitamin C trong nước. Ngoài ra còn chứa các phức chất phenol, acid hữu cơ và sterol thành phần tổng hợp các chất trong cơ thể vật nuôi. Chất đắng trong diệp hạ châu cũng có khả năng giải độc cao, khôi phục chức năng gan, giảm đau. Nhiều hộ nuôi nấu diệp hạ châu rồi lấy nước cô đặc trộn vào trong thức ăn cũng đã thấy được hiệu quả phòng bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm. Loài cây này đã được thử nghiệm thành công trong việc ức chế virus MrNV gây bệnh đục thân trên tôm càng xanh, giảm thiểu virus WSSV gây bệnh đốm trắng. Các chiết xuất của cây được đưa vào quá trình ấp trứng artemia cho tôm giống sử dụng để phòng bệnh hiệu quả ngay từ ban đầu.
Cũng như ở người, ngành thủy sản hiện nay cũng sản xuất ra nhiều loại vaccine để phòng bệnh cho tôm cá. Bản chất của vaccine là chế phẩm sinh học chứa kháng nguyên (có thể là các virus hay vi khuẩn sống nhưng đã làm giảm độc lực, không còn khả năng gây bệnh). Khi vaccine được đưa vào cơ thể sẽ kích hoạt hệ miễn dịch của tôm cá. Các thành phần của hệ miễn dịch xem vaccine là vật thể lạ nên kích hoạt hệ thống, huy động lực lượng chống lại và ghi nhớ hình ảnh cấu trúc kháng nguyên. Và khi mầm bệnh thật sự xâm nhập, nó sẽ phát hiện một cách nhanh chóng nhờ ký ức miễn dịch và tiêu diệt chúng. Vaccine sẽ giúp cho tôm cá tự tạo ra các kháng thể tự nhiên giúp trung hòa độc tố, ngăn chặn sự bám dính của mầm bệnh, làm các quá trình trao đổi chất và chuyển hóa nội bào của mầm bệnh bị rối loạn hay dừng hẳn, mất khả năng nhân lên và bị tiêu diệt.
Hiện tại có rất nhiều vaccine cho cá nước ngọt và tôm được sản xuất trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam việc sử dụng vẫn còn hạn chế. Nhưng để thay thế hoàn toàn kháng sinh thì vaccine hứa hẹn sẽ là một liệu pháp tuyệt vời trong tương lai gần.
Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực khuẩn thể là các virus (hay còn gọi là phage) kí sinh trong cơ thể vi khuẩn gây bệnh có thể kiểm soát và tiêu diệt chúng. Các phage sẽ cấm sâu và tồn tại trong tế bào chất của vi khuẩn, phá hủy màng tế bào tiêu diệt vi khuẩn. Sau đó các thực khuẩn thể này lại tiếp tục xâm nhập vào những vi khuẩn khác và tiêu diệt chúng bằng cách tương tự. Đặc biệt những phage này chỉ tác động đến những vi khuẩn có hại đặc trưng mà không gây ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật có lợi trong cơ thể vật nuôi.
Khác với kháng sinh, thực khuẩn thể khi được sử dụng sẽ không mang lại rủi ro kháng thuốc tiềm ẩn. Chúng được chứng minh là giải pháp thay thế kháng sinh hiệu quả vì chúng mang tính chất tự nhiên, phổ biến và rộng rãi trong môi trường và giá cả cũng tương đối phải chăng. Chúng được kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn thủy sản an toàn cũng như là vũ khí để dập tắt cuộc chiến kháng kháng sinh của mầm bệnh.
Beta glucan là một chất chiết xuất từ vách tế bào nấm men, yến mạch, rong biển, vi tảo...Chúng vào cơ thể sẽ hoạt động giống như một chất lạ, kích thích hoạt động tiêu diệt của các tế bào có chức năng bảo vệ trong cơ thể vật chủ. Đây là một trong những chất kích thích miễn dịch và là biện pháp phòng bệnh rất hiệu quả. Mầm bệnh ngày càng biến đổi, mật độ nuôi ngày càng cao, trong khi đó môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, kháng sinh trở nên độc hại. Do đó, phải tập trung tăng cường sức đề kháng của vật nuôi vì “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Kháng sinh dù có hiệu quả nhưng sau một thời gian dài sử dụng cũng trở nên biến chất và gây những hậu quả khôn lường. Do đó, cần thay đổi thói quen xấu này, chuyển sang sử dụng các hoạt chất khác có hoạt tính cao hơn mà lại không ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi và kể cả con người.
Sử dụng các acid amin tổng hợp để cân đối nhu cầu acid amin trên tôm sú không hiệu quả bằng phối hợp các nguyên liệu