Giá tôm lao dốc - Hướng đi nào cho người nuôi?

Liệu thả giống vào lúc này có thật sự hiệu quả?
Giá tôm lao dốc - Hướng đi nào cho người nuôi?

Hiện trạng?

Hiện nay giá tôm thương phẩm đang ngày càng tuột dốc, và xuống tới mức rất thấp. Cụ thể, đến giữa tháng 6.2023, tôm loại 100 con/kg được thu mua tại nhà máy chỉ với mức giá từ 77.000-92.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 so với tháng 02/2023. Trong khi đó, tôm thương phẩm bán cho thương lái tại ao càng thấp hơn với mức giá dưới 70.000 đồng/kg; loại 80 con/kg chỉ có giá từ 79.000 đồng/kg đến 94.000 đồng/kg; loại 50 con/kg có giá từ 100.000 đồng/kg đến 115.000 đồng/kg… Mức giá này là giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Với thực trạng giá tôm nguyên liệu giảm thấp, mà giá vật tư đầu vào lại tăng cao. Nên “treo ao” vẫn sẽ kéo dài khi giá tôm ngày càng tuột dốc. Tính sơ chi phí nuôi tôm, trong đó cho thức ăn chiếm 60%, 30% là vật tư thủy sản và 10% là tiền điện và nhân công. Do vậy, các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm công nghiệp đến chủ các ao nuôi nhỏ lẻ đều cảm thấy bất an. Vì để nuôi được con tôm lớn bán đã rất khó và tốn nhiều công sức, nhưng nay giá tôm xuống thấp khiến họ lâm vào tình cảnh khó khăn.


Phần lớn người nuôi còn ít vốn, nên họ chấp nhận mua nợ thức ăn, thuốc men với giá cao, điều này cũng làm chi phí sản xuất tăng lên. Cùng với đó, thời tiết mưa nắng thất thường khiến dịch bệnh ngày càng hoành hành. Nhất là bệnh họai tử gan tụy cấp tính khiến tôm chết sớm, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Càng khiến người nuôi lao đao, đắn đo hơn trong việc thả tôm giống cho vụ mới.

Nguyên nhân do đâu?

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt trên 2,6 tỷ USD, giảm hơn 36% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường lớn đều giảm mạnh: xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm trên 57%; xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 37%. Nguyên nhân chính là do các thị trường tiêu thụ lớn của ngành bao gồm EU, Mỹ, Trung Quốc đều chịu tác động của việc lạm phát toàn cầu. Từ đó sức mua giảm sút khiến giá tôm trên thị trường nội địa cũng lao dốc nhanh chóng. Trước tình hình này, cần có những hướng giải quyết hiện trạng trước mắt cũng như lâu dài để giảm đến mức thấp nhất chi phí nuôi.


Hướng giải quyết

Liệu thả giống vào lúc này có thật sự hiệu quả? Trước sự e dè của người nuôi, đặt ra một bài toán kinh tế lớn: làm sao để tiết kiệm chi phí nuôi thấp nhất trong tình trạng giá tôm bán ra vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Do đó, một số hướng giải quyết sau hy vọng có thể giúp người nuôi giải quyết phần nào bài toán kinh tế trên.

Thả nuôi mật độ thấp: Nếu trước đây mật độ nuôi phổ biến là 200 – 300 con/m2 thì hiện nay nên dừng ở mức vừa phải là 120 – 150 con/m2. Mật độ này cho phép quản lý môi trường dễ dàng hơn, tôm nuôi cũng dễ về size lớn hơn. Đặc biệt là các yếu tố về quản lý rủi ro, dịch bệnh cũng dễ nắm bắt hơn. Thu tỉa nhiều lần để giảm sức tải cho ao nuôi cũng là một giải pháp hay.

Kiểm soát lượng thức ăn: Thức ăn chiếm khoảng 50 - 60% chi phí sản xuất. Lượng thức ăn thất thoát vào trong nước và bùn đáy ao đến khoảng 20%. Nếu kiểm soát được lượng thức ăn, chi phí nuôi sẽ giảm đáng kể. Do đó, có thể cho tôm ăn nhiều lần trong ngày nhưng giảm tổng lượng thức ăn xuống còn khoảng 70%. Khi tôm đang lột xác, thời tiết nắng gắt, hoặc sự thay đổi đột ngột môi trường ao nuôi cũng nên giảm lượng thức ăn, hạn chế tiêu tốn chi phí.


Hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất: Thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học có chi phí tương đối cao, chiếm từ 20 - 30% trong nuôi tôm. Nên cần theo dõi chặt chẽ sự phát triển của ao nuôi tôm để sử dụng thuốc và hóa chất kịp thời, đúng liều, tạo ra môi trường ao nuôi an toàn và bền vững hơn. Nếu cần thiết phải sử dụng, cần chọn những thương hiệu uy tín, chất lượng, hiệu quả, đúng thuốc, đúng bệnh, đúng thời điểm để hợp lý chi phí nuôi. Thuốc thủy sản an toàn, an toàn cho cả vật nuôi và người nuôi.

Với những giải pháp đặt ra, mong rằng có thể tiết kiệm chi phí, giải quyết bài toán kinh tế trước mắt cho người nuôi tôm.

Ngày 15 - 06 - 2023
Phòng Kỹ thuật An Bình
Bạn có biết?

Các loài giáp xác hạn chế sinh tổng hợp các acid béo HUFA, do đó bổ sung dầu cá trong thức ăn là cần thiết.

bởi Khuyết danh
Xem thêm
Bạn quan tâm đến nuôi thủy sản an toàn ? Gọi ngay để được tư vấn. call 09 1800 9102