Trên toàn cầu, nhu cầu sử dụng cá nuôi ngày càng tăng do sụt giảm sản lượng thủy sản khai thác. Ngành nuôi trồng thủy sản đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng thâm hụt sản lượng cá và cũng đóng góp cho sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Nuôi trồng thủy sản mở rộng đã kéo theo sự gia tăng dịch bệnh trong các trang trại nuôi cá. Một số vi khuẩn đã được xác định là nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh trên cá rô phi nuôi như Aeromonas hydrophila, Streptococcus agalactiae, Streptococcus iniae và Lactococcus garvieae. Đối với cá rô phi, nhiễm khuẩn Lactococcus garvieae làm tốc độ tăng trưởng giảm và chất lượng cá bị đánh giá thấp do những tổn thương trên da.
Phương pháp trị bệnh đang được sử dụng phổ biến là dùng kháng sinh. Tuy nhiên do sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi dẫn đến tình trạng kháng thuốc đã được báo cáo với một số bệnh do vi khuẩn trên cá rô phi. Chiết xuất thảo dược (các sản phẩm có nguồn gốc thực vật hoặc động vật) được xem là giải pháp thay thế tiềm năng cho các loại thuốc kháng sinh. Ớt hiểm (Capsicum annum) là một trong những loại thảo mộc được sử dụng rộng rãi và dùng làm gia vị trên khắp thế giới.
Capsaicin có trong ớt hiểm có khả năng kháng khuẩn vừa giúp vật nuôi chống lại bệnh do vi khuẩn vừa đóng vai trò như một chất kháng viêm và tăng cường miễn dịch. Cho đến nay nhiều nghiên cứu đã cho thấy tác dụng của capsaicin đối với vi khuẩn và hiệu quả khi sử dụng cho động vật trên cạn nhưng còn ít thông tin về tác dụng của nó đối với các bệnh do vi khuẩn ở động vật thủy sản. Mục đích của nghiên cứu này là xác định hiệu quả của chiết xuất từ ớt hiểm trong việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn Lactococcus garvieae ở cá rô phi ba đốm (Oreochromis andersonii).
Chất capsaicin được chiết xuất từ ớt hiểm bằng phương pháp chiết dung môi thông thường. Capsaicin được trộn với vi khuẩn Lactococcus garvieae và cấy trên môi trường thạch để xác định nồng độ diệt khuẩn tối thiểu. Sau đó 4 nhóm (100 con cá):
Nhóm cá 1 được tiêm chất capsaicin,
Nhóm 2 được tiêm vi khuẩn gây bệnh và capsaicin,
Nhóm 3 chỉ tiêm vi khuẩn gây bệnh,
Nhóm 4 nước muối thông thường (đối chứng âm tính).
Cá được quan sát trong 7 ngày sau khi xử lý và thí nghiệm được lặp lại ba lần. Khả năng bảo vệ của chiết xuất ớt được đo bằng việc cá không mắc bệnh lâm sàng và khả năng sống sót của cá trong thời gian thử nghiệm.
Tỉ lệ sống của cá ở nhóm Lactococcus garvieae kết hợp với Capsaicin là 80%,
nhóm cá đối chứng 95%. trong khi cá chỉ tiêm vi khuẩn gây bệnh là Lactococcus garvieae có tỷ lệ sống sót thấp nhất 0%.
Trong ngày thứ hai thí nghiệm, tỷ lệ tử vong (20%) được ghi nhận ở nhóm Lactococcus garvieae và chất Capsaicin, sau đó ổn định cho đến cuối thí nghiệm. Đáng kể là có nhiều cá trong nhóm tiêm vi khuẩn và capsaicin sống sót hơn so với những cá chỉ được tiêm vi khuẩn. Phát hiện cho thấy rằng chiết xuất ớt có thể ngăn ngừa nhiễm khuẩn Lactococcus garvieae ở cá rô phi.
Trong nghiên cứu này, chiết xuất Capsicum annum cho thấy các hoạt động kháng khuẩn chống lại Lactococcus garvieae. Nồng độ diệt khuẩn tối thiểu của capsaicin đối với sự phát triển của vi khuẩn Lactococcus garvieae là 0,1967mg /ml (nồng độ capsaicin trong ớt địa phương là 19,67mg /g).
Việc sử dụng dự phòng chiết xuất ớt hiểm cho cá rô phi bị nhiễm vi khuẩn Lactococcus garvieae cho kết quả rất tốt. Điều này đem lại triển vọng trong việc sử dụng chiết xuất thảo mộc như ớt hiểm để kiểm soát bệnh vật nuôi và góp phần hạn chế tình trạng kháng kháng sinh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng có thể trị bệnh do vi khuẩn Lactococcus garvieae cá rô phi bằng cách tiêm chiết xuất ớt hiểm. Tuy nhiên, do đường tiêm khó có thể áp dụng cho cả đàn cá do đó cần có thêm các nghiên cứu bổ sung để có thể ứng dụng chiết xuất ớt trong việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn Lactococcus garvieae trên cá rô phi nuôi với quy mô thương mại.
Gan không có dây thần kinh, nên gan bị tổn thương gần như tôm không bị ảnh hưởng đến hoạt động cho đến khi gan hoàn toàn bị hư hại.