Cách quản lý nước thải từ ao nuôi tôm

Nước thải từ nuôi tôm sẽ có tác động đáng kể đến môi trường tự nhiên và cả các ao nuôi lân cận. Nhưng sẽ có cách để giảm thiểu những tác động này.
Nuôi tôm sẽ mang lại lợi ích kinh tế nhưng lại đi kèm nhiều tác động môi trường.

Ngành công nghiệp nuôi tôm đã phát triển trong nhiều thập kỷ qua, nhất là ở Châu Á và Châu Mỹ Latinh, tạo ra nguồn thu nhập lớn và cung cấp việc làm cho hàng nghìn người. Những mục tiêu sản xuất lớn đã được đặt ra từ năm này qua năm khác.

Nhưng thật không may, bước nhảy vọt trong sản xuất lại thường kéo theo nhiều hệ lụy không mong muốn cho môi trường nước, có nguy cơ làm giảm thiểu năng suất. Trong đó có nước thải từ những ao tôm, nguồn nước có nhiều chất dinh dưỡng và chất hữu cơ. Nếu không được xử lý, nó có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các vùng nước xung quanh và giảm đáng kể sức chịu tải của môi trường.

Tại sao nước thải lại nguy hiểm?

Những khu vực nuôi tôm thường nằm ở ven biển, nhiều trại nuôi lớn còn nằm sát bờ biển. Khi bắt đầu sản xuất, người nuôi thường lấy nước từ biển hoặc từ giếng họ đào sẵn. Nước này sẽ được thải trở lại môi trường sau một chu kỳ sản xuất. Nguồn nước thải từ ao tôm có chứa nhiều chất dinh dưỡng, chẳng hạn như nitơ, photpho, chất rắn lơ lửng và các chất hữu cơ. Tất cả đều là sản phẩm phụ của các hoạt động nuôi trồng như thức ăn thừa, phân tôm, xác tôm, vi khuẩn và các động thực vật phù du. Sau khi được thải ra, nguồn nước có tải lượng hữu cơ cao này sẽ kết dính với các vùng nước xung quanh.

shrimp pond

Nguồn nước thải quá ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng đến các ao nuôi lân cận. Ảnh: Thefishsite

Thật ra với hàm lượng dinh dưỡng và tải lượng hữu cơ cao như thế, thì nếu chỉ một lượng nhỏ nước thải từ các ao tôm sẽ rất có lợi cho môi trường xung quanh. Nhưng khi có quá nhiều ao cùng xả nước thải ra môi trường, thì chất lượng nước sẽ bị suy giảm đáng kể. Quan trọng hơn, lượng nước thải ra từ các trại nuôi tôm có thể vượt quá khả năng chịu tải của các thủy vực địa phương.

Sức chịu tải đề cập đến sinh khối tối đa của sinh vật chứa trong một đơn vị diện tích cụ thể, trường hợp này là một vùng nước, mà không vượt quá tác động tối đa đến năng suất và môi trường. Nếu vượt quá sức chịu tải thì nguồn nước này sẽ không sử dụng cho sản xuất được nữa. Tác động bất lợi không chỉ với môi trường mà còn với cả người nuôi tôm. Sự tàn phá môi trường sẽ kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng trong sản xuất. Nước thải nếu không được xử lý có thể là nơi lây lan nhiều mầm bệnh. Dịch bệnh cũng có thể nhiễm từ trại nuôi này sang trại nuôi lân cận ở dọc theo bờ biển, nếu tất cả sử dụng chung một nguồn nước, gây ra một đợt dịch bệnh lớn trong khu vực. Một khi điều này xảy ra sẽ rất khó để đối phó.

Các giải pháp để xử lý nước thải

Một chế độ cho ăn tốt hơn

Nếu ao nuôi có tải lượng hữu cơ cao, thì chế độ cho ăn phải là điều đầu tiên cần xem xét. Vì hầu hết các chất hữu cơ được tạo ra trong ao đều có nguồn gốc từ thức ăn tôm, nên chất lượng thức ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hữu cơ trong nước. Để giảm chất dinh dưỡng dư thừa, người nuôi hoàn toàn có thể sử dụng thức ăn chất lượng cao và thực hiện các biện pháp cho ăn phù hợp, cụ thể là đúng giờ và đúng lúc.

shrimp feed

Sử dụng thức ăn chất lượng cao và cho ăn đúng cách cũng giảm thiểu chất thải. Ảnh: Thefishsite

Sử dụng ao lắng

Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm thiểu chất rắn lơ lửng từ nước thải, đó là sử dụng ao lắng. Nước thải từ ao nuôi chính sẽ được chuyển sang ao lắng. Sau đó, nước sẽ lắng một thời gian, các chất rắn lơ lửng và các chất hữu cơ sẽ bị giữ lại đây, thay vì bị thải ra môi trường. Bằng cách này, người nuôi có thể làm giảm đến 90% chất rắn lơ lửng.

Siphon đáy và thay nước

Việc siphon đáy ao thường xuyên sẽ giảm đáng kể tải lượng hữu cơ chứa amoniac. Chất hữu cơ lắng xuống đáy dưới dạng bùn đáy ao có thể dễ dàng được loại bỏ thường xuyên thông qua siphon. Điều này vừa có lợi trong việc duy trì chất lượng nước tốt trong suốt quá trình nuôi, vừa đảm bảo nước được thải ra có tải lượng hữu cơ thấp.

Tương tự như vậy, thay nước cũng là một cách tốt để ngăn chặn tải lượng hữu cơ tích tụ, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cho tôm và làm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên cần tránh thay nước trước 30- 40 ngày nuôi, để chất lượng nước được ổn định hơn. Nên bắt đầu thay nước hằng ngày từ 10-30% và tăng dần theo chu kỳ. Quan trọng là nước được thay phải qua xử lý để hạn chế mầm bệnh theo nước vào trong ao.

Water change

Thay nước cũng giảm tải lượng hữu cơ trong nước thải. Ảnh: Thefishsite

Áp dụng các kỹ thuật xử lý sinh học

Biện pháp xử lý sinh học chính là sử dụng vi khuẩn có lợi hoặc các chế phẩm sinh học để xử lý nước thải. Các chủng vi khuẩn như Bacillus, Pseudomonas, Acinetobacter, Cellulomonas, Rhodopseudomonas, Nitrosomonas, Nitrobacter tạo điều kiện phân hủy nhanh chóng và giảm tải nhanh lượng hữu cơ trong nước. Các vi khuẩn này sẽ đồng thời cạnh tranh với các mầm bệnh cơ hội và ức chế sự phát triển của chúng. Điều này sẽ ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh sang các vùng nước xung quanh.

Tạo hệ thống biofloc

Một phương pháp quản lý chất thải khác là sử dụng hệ thống biofloc. Đây là một hệ thống khá mới và đang dần phổ biến. Trong hệ thống biofloc, quá trình thay nước hạn chế hoặc sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Tỷ lệ C/N trong nước được duy trì cân bằng, bằng cách bổ sung thêm nguồn cacbon từ bên ngoài, chẳng hạn như mật đường. Mục tiêu là kích thích sự phát triển của các cộng đồng vi sinh vật trong các hạt floc.

biofloc shrimp

Nuôi tôm biofloc đã nổi lên như một phương pháp nuôi tôm bền vững. Ảnh: Thefishsite

Các hạt floc sẽ chuyển đổi amoniac và các hợp chất hữu cơ khác thành thức ăn tự nhiên cho tôm tiêu thụ. Điều này làm chất lượng nước tốt hơn, giảm đáng kể mầm bệnh sinh sôi. Giảm việc thay nước cũng sẽ làm giảm lượng nước thải ra môi trường.

Triển khai các hệ thống nuôi ghép

Hai hoặc nhiều loài sẽ được nuôi cùng nhau với cùng một mục đích là tăng năng suất và quản lý chất lượng nước. Nuôi ghép đã được chứng minh là giảm tác động đáng kể đối với môi trường từ những khu vực nuôi tôm. Thông qua nuôi ghép, một loài cụ thể sẽ hấp thu chất thải từ các hoạt động nuôi tôm, làm nó trở thành một phương pháp giúp sản xuất tôm bền vững. Rất nhiều loài có thể làm được điều này.

Cá rô phi sẽ xử lý tốt nước thải do chất thải hữu cơ chính là thức ăn của chúng. Nhờ đó photpho, nitơ và cả lượng vi khuẩn Vibrio trong nước cũng được giảm đáng kể. Bằng cách thả cá rô phi chung vào ao, chúng sẽ xử lý được một lượng lớn chất thải, trước khi nguồn nước đã qua sử dụng này được thải ra môi trường.

tilapia

Chất thải hữu cơ chính là thức ăn của cá rô phi. Ảnh: Thefishsite

Rong biển là những sinh vật có khả năng tích lũy nitơ. Chúng sử dụng nitơ như một nguồn năng lượng, nên thật tuyệt nếu chúng được kết hợp với tôm. Rong biển còn có thể hấp thụ tải lượng hữu cơ lớn từ các hoạt động nuôi tôm bằng một cách rất “thực vật”, được sử dụng như một bộ lọc sinh học trong ao nuôi.

Cá măng sữa, cũng như cá rô phi là loài có thể ăn chất hữu cơ. Chúng thích nghi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau và có khả năng kháng bệnh cao. Nuôi tôm chung với cá măng sữa sẽ giảm được tải lượng hữu cơ trong nước, làm nước thải ít gây ô nhiễm môi trường hơn.

Sử dụng rừng ngập mặn làm vùng đệm

Rừng ngập mặn cũng có thể xử lý chất thải thông qua khả năng hấp thu và sử dụng những chất hữu cơ từ hoạt động nuôi tôm. Rừng ngập ngập có tác dụng như một vùng đệm hoặc vành đai bảo vệ giữa các khu vực canh tác và biển. Trước khi chảy ra biển, nước thải từ các ao tôm sẽ đi qua rừng ngập mặn. Khi ở đây, chất rắn sẽ lắng tụ và các chất dinh dưỡng được hấp thụ. Lượng nước thải trên sẽ ít ô nhiễm hơn.

mangroves

Rừng ngập mặn hoạt động như một bộ lọc trước khi đưa nước thải ra môi trường. Ảnh: Thefishsite

Cân bằng giữa tăng cường và bền vững

Khi ngành nuôi tôm thâm canh ngày càng mở rộng, người nuôi cần chủ động quản lý các tác động của sản xuất đến môi trường. Những tác động tiêu cực từ chất thải nuôi tôm có thể tàn phá môi trường và cả người nuôi. Hy vọng rằng những giải pháp được cung cấp có thể mang lại những hiểu biết thực tế hơn, để người nuôi tôm hiểu được tại sao cần cải thiện hệ thống quản lý và nâng cao tính bền vững của môi trường.

References: Alune (2021). How to manage water effluent from shrimp farms. The fish site, articles, 22 June 2021.

Ngày 06 - 07 - 2021
Lược dịch bởi phòng kỹ thuật An Bình
Bạn có biết?

Vitamin thường không bền nhiệt và thời gian bảo quản trong thức ăn vì vậy cần thiết bổ sung vitamin lúc cho tôm ăn

bởi Khuyết danh
Xem thêm
Bạn quan tâm đến nuôi thủy sản an toàn ? Gọi ngay để được tư vấn. call 09 1800 9102