Trước khi thả cá thì việc chuẩn bị một cái hồ (bể) là rất quan trọng. Thiết kế kích thước hồ phù hợp với vị trí đặt, đủ rộng và phải thoáng để phù hợp với mật độ cá được thả. Nơi đặt bể được chọn tốt sẽ tăng hiệu quả thẩm mỹ, thư giãn và dễ quản lý, chăm sóc. Nên đặt bể gần đường ống nước và dễ dàng liên kết với nguồn điện. Tránh dùng xà phòng hay chất tẩy để cọ rửa bể mới mua về, tốt nhất là rửa bằng nước muối pha loãng, người ta cũng thường dán một tấm phông nền phía sau hồ để nâng cao tính mỹ quan, làm nền tảng cho sự sáng tạo trong thiết kế.
Nền đáy của bể tốt nhất là dùng sỏi. Có thể dùng cát nhưng cát lại có nhược điểm là nằm san sát nhau và có khi bịt kín không cho nguồn nước đi qua máy lọc. Với vật liệu làm nền nào cũng vậy, đều phải diệt khuẩn khử trùng thật sạch mới cho vào bể. Sắp xếp đá, sỏi sao cho cố định, hạn chế nguy cơ sụp đổ thiết kế ảnh hưởng đến cá nuôi. Nền sỏi phía sau nên cao gấp 2 lần ở phía trước để mọi thứ trong bể cá đều hướng gần đến mặt trước của bể. Chọn đá và lũa để trang trí vừa phải, không lạm dụng quá nhiều cho việc này gây thu hẹp không gian sống cho cá nuôi. Đá chọn để trang trí có thể có những hoạt tính xấu ảnh hưởng đến các thành phần hóa học trong bể, vì vậy phải lựa chọn cẩn thận.
Cây thủy sinh là vật liệu tuyệt vời nhất nên được sử dụng trong bể, vừa trang trí lại vừa giúp ổn định chất lượng nước và duy trì hệ sinh thái. Những cây lớn nhanh và cao phải trồng ở phía sau bể, cây chậm lớn trồng ở mặt trước và cũng cần cung cấp một lượng phân bón ban đầu để các loài cây này phát triển. Tuy nhiên những cây thật rất dễ phát triển quá mức trong bể, do đó phải chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên. Một số người nuôi cá cảnh cũng sử dụng cây bằng nhựa để trang trí, mặc dù chúng không thể phát triển nhưng hiệu quả mang lại thì không bằng thủy sinh thật.
Bể cá đặt nơi thoáng mát, có thể chiếu sáng với các bóng đèn có công suất nhỏ, khoảng vài giờ mỗi ngày. Không để nắng hay ánh sáng trực tiếp ảnh hưởng đến bể, nếu là nơi không thoáng khí lâu ngày cá sẽ dễ mắc bệnh
Đa số người nuôi hiện nay sử dụng nước máy đã được xử lý clo để nuôi cá, nếu vậy cần để clo tự bốc hơi hết mới bơm vào bể nuôi. Hoặc một số trường hợp người nuôi cũng dùng nước mưa, thích hợp cho nuôi trong mùa hè vì rất mát, tuy nhiên với nước mưa thì độ pH thấp, nên cho thêm vụn san hô vào hệ thống lọc và sục khí oxy thật mạnh để tăng oxy và pH cho bể. Tuy nhiên nước mưa làm tảo, rêu phát triển nhanh chóng nên cũng cần hạn chế sử dụng. Hệ thống lọc cũng cần được quan tâm để chất lượng nước trong bể không làm ảnh hưởng đến cá. Lọc tràn, lọc ngoài, lọc treo là những loại lọc có hiệu quả cao thường được sử dụng, định kỳ giặc và thay bông lọc tránh làm ô nhiễm nguồn nước.
Chọn cá nuôi chung sao cho chúng hòa thuận, những loài hiền lành, không cắn rỉa nhau, cũng nên chọn những loài có màu sắc hài hòa với nhau, kích cỡ tương đương tránh việc “cá lớn nuốt cá bé”. Cá mới mua về cần ngâm cả túi cá trong hồ để cân bằng nhiệt độ khoảng 15 đến 20 phút, kế đến mới mở miệng túi ra và cho một ít nước từ trong hồ vào túi cá. Sau đó hạ miệng túi xuống, một tay mở miệng túi ra, tay kia kéo từ từ đáy túi lên, để cá trôi ra khỏi túi. Tuyệt đối không đổ liền một lúc.
Cho ăn thức ăn tổng hợp dành riêng cho cá cảnh có bán ở nhiều cửa hàng chuyên biệt. Cá có tập tính thấy mồi là đớp làm nhiều người lầm tưởng là cá đói nên thường cho cá ăn rất nhiều lần làm cá bể bụng mà chết. Vì thế lượng cho ăn phải được cân nhắc kỹ lưỡng và chia làm nhiều lần nhỏ để dễ theo dõi. Trường hợp thức ăn dư thừa thì cần vớt ra ngay để tránh tình trạng ô nhiễm bể nuôi. Tùy theo các loại cá mà có thể bổ sung thêm thức ăn tươi như cá con, cá trâm...
Mặc dù thay nước là một trong những biện pháp giúp làm sạch môi trường của bể cá. Tuy nhiên, không nên áp dụng quá thường xuyên vì có thể khiến cá bị sốc và dễ chết. Với những bể cá có kích thước nhỏ, từ 2 -3 ngày mới nên thay nước một lần. Với những bể cá lớn hơn thì khoảng một tuần thì có thể thay. Mỗi lần thay nước, hãy cố gắng giữ lại ¼ lượng nước cũ trong bể để cá thích nghi với môi trường mới một cách thuận lợi hơn. Nên dùng ống nhựa xiphong hoặc ống bơm nước nhựa bằng tay có bán ở các cửa tiệm cá cảnh để hút thức ăn dư thừa, cặn bã dưới đáy hồ, sau đó mới cho nước mới vào.
Nhiệt độ thích hợp cho đa số các loài cá cảnh là 26-28oC. Tuy nhiên ở miền Nam thì không cần quá lo lắng về vấn đề này. Ngược lại, miền Bắc thì cần sử dụng nhiệt kế đo nhiệt độ thường xuyên và dùng cây sưởi tạo nhiệt độ ổn định cho cá phát triển. Đồng thời cũng hạn chế di chuyển bể cá khi không thật sự cần thiết.
Động vật thủy sản thải trực tiếp NH3 vào trong nước.