Tảo trong ao tôm (Phần 2)

Như chúng ta đã biết, trong ao tôm thành phần tảo không phong phú được như trong các thủy vực tự nhiên. Tuy nhiên không vì vậy mà số lượng các loài tảo bị suy giảm. Tảo lam, tảo mắt, tảo giáp là những loại tảo độc hại cho tôm nuôi, thì tảo lục, tảo khuê lại là tảo có lợi rất lớn cho quá trình nuôi
tảo trong nuôi tôm

Bài viết này sẽ đi sâu về chức năng, tính phổ biến của các loại tảo trong ao. Cùng với đó là các biện pháp khắc phục hiện tượng tảo nở hoa cũng như tác hại và cách phòng trị tảo độc.

1. Các loại tảo trong ao

Tảo khuê hay còn gọi là tảo silic. Tảo có cấu tạo đơn bào, có thể sống độc lập hay thành tập đoàn tồn tại dưới dạng sợi mảnh, hình quạt, zic-zắc hay hình sao. Điểm đặc trưng của các tế bào tảo khuê là chúng được bao bọc bên trong một thành tế bào được làm bằng silica, được gọi là vỏ tảo cát. Các vỏ này rất đa dạng về hình dạng nhưng chúng thường được cấu tạo bởi hai mặt không đối xứng, có vách ngăn ở giữa. Tảo khuê là tảo có lợi, là nguồn thức ăn cung cấp nguồn dinh dưỡng cao cho tôm, nhất là giai đoạn ấu trùng. Tảo khuê có thể phát triển khi nguồn dinh dưỡng trong ao thấp, tỷ lệ đạm lân N/P lớn hơn 15/1. Khi tảo này chiếm ưu thế thì nước ao sẽ có màu vàng nâu hay vàng lục (màu nước trà). Nhóm thường xuất hiện trong ao bao gồm Cheatoceros sp., Skeletonema sp., Nitzschia sp. Navicula sp...


Tảo lục là một nhóm lớn trong các loài tảo, thường là loài chiếm ưu thế trong ao. Tảo lục thường sống thành tập đoàn, quần xã của chúng không có tính độc, kích thước khá nhỏ, không gây mùi hôi trong ao nuôi. Màu xanh nhạt là màu đặc trưng của tảo lục. Tảo lục chlorella sp. còn được phát hiện là có khả năng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Vibrio sp., bên cạnh đó tảo lục còn có khả năng và một số hóa chất tồn dư trong nước ao. Tảo lục có thể phát triển tốt trong môi trường dinh dưỡng và muối khoáng ở mức độ trung bình với tỉ lệ N/P từ 7-14/1. Thành phần của tảo lục chứa nhiều acid amin, vitamin, khoáng chất, canxi, kẽm, magie, sắt, chất xơ, lượng protein lên tới 60%… rất lý tưởng cho sự phát triển của tôm. Một số loại tảo lục thường xuất hiện trong ao như: Chlorella sp., Scenedesmus sp., Nannochloropsis sp., Dunaliella sp., Oocyctis sp...


Tảo mắt là loại tảo có hại trong ao, tảo này là sinh vật chỉ thị trong môi trường nước bẩn, ô nhiễm. Khi tảo mắt xuất hiện trong ao thì chứng tỏ là ao nuôi đang bị ô nhiễm hữu cơ và nhiễm bẩn nền đáy. Tảo mắt sống trong môi trường phú dưỡng, ở các thủy vực nước ngọt, lợ; một số ít sống ở nước mặn. Tảo di chuyển rất nhanh trong nước nhờ có lông roi trên đầu, đặc trưng là có điểm mắt màu đỏ. Trong điều kiện nước nhiều chất hữu cơ, tảo mắt phát triển rất nhanh ảnh hưởng đến hàm lượng oxy hòa tan trong ao và làm bẩn môi trường nước. Nước ao có màu xanh rau má hay nặng hơn là màu nâu đen khi tảo mắt chiếm ưu thế. Một số loài tảo mắt thường xuất hiện là Euglena sp., Eutrepteilla sp., Phacus sp., Trachaelomonas sp...


Tảo giáp là loài tảo sống chủ yếu trong nước mặn. Chủ yếu tồn tại dạng đơn bào, hình sợi, có roi. Nhiều giống được bao phủ bởi một màng cenlullose. Tảo giáp di chuyển rất nhanh nhờ hệ thống tiên mao xung quanh cơ thể. Trong ao nuôi, tảo giáp xuất hiện nhiều thường do nguồn nước cấp từ bên ngoài vào cộng với sự mất cân bằng khoáng đa vi lượng và nền đáy nhiễm bẩn mức độ cao. Màu nâu đỏ là màu xuất hiện khi mật độ tảo giáp cao trong ao (mặt nước xuất hiện váng màu đỏ). Đặc biệt lúc trời nắng gắt tảo này sẽ tập trung nổi trên mặt nước đến khi ánh sáng mặt trời giảm tảo sẽ chìm xuống đáy. Nếu tôm ăn tảo này sẽ không thể tiêu hóa được do vách tế bào của chúng rất cứng, nguy hiểm hơn là làm tắt nghẽn đường ruột tôm, phân bị đứt khúc. Đây cũng là loại tảo làm nước ao phát sáng và dẫn đến hiện tượng nổi đầu nhiều vào ban đêm và sáng sớm. Khi tảo chết sẽ sản sinh khí độc NH3 gây hại thêm cho tôm nuôi. Các loài tảo giáp thường gặp trong ao là Gymnodinium sp., Peridium sp., Ceratium sp., Protoperidinium sp., Alexandrium sp…


Tảo lam được đánh giá là nguy hiểm nhất trong các loại tảo có hại cho ao nuôi. Tảo lam thường xuất hiện theo tập đoàn lớn, có dạng sợi hay dạng hạt. Đa số tảo lam phát triển nhiều ở nước ngọt, tế bào tảo lam mang chất độc. Khi hàm lượng muối dinh dưỡng cao, tảo lam sẽ phát triển ưu thế trong ao khi tỉ lệ N/P là 3-5/1. Khi tảo lam xuất hiện nhiều trong ao sẽ làm tôm nuôi có mùi hôi, đồng thời còn thải ra chất nhờn, có khả năng gây tắc nghẽn mang tôm. Một số trường hợp tôm bị phân trắng thường tìm thấy nhóm tảo này trong đường ruột ở dạng chưa tiêu hóa. Đặc biệt khi tảo lam nở hoa sẽ hình thành một lớp sơn đặc quánh màu xanh lam phủ kín mặt ao, hay dạt về cuối gió gây thiếu oxy trầm trọng cho tôm nuôi nhất là vào ban đêm. Tảo lam có khả năng chịu nhiệt cao, nhất là ở các tháng nóng trong năm. Một số loài tảo lam có khả năng quang hợp trong môi trường yếm khí tương tự như vi khuẩn. Các loại tảo lam thường thấy trong ao là Nostoc sp., Anabaena sp., Oscillatoria sp., Microcystis sp…


2. Cách phòng trị tảo độc trong ao

Trước hết tảo thường xuất hiện nhiều là do đã có mặt sẵn trong nguồn nước cấp hoặc trong đất đáy ao. Do đó, nước phải diệt tạp khử trùng thật kỹ bằng BKC 80 trước khi cho vào ao, lọc nước, chọn nơi cấp nước an toàn. Sau một thời gian nuôi, các điều kiện trong ao sẽ thay đổi làm chất hữu cơ tích lũy nhiều hơn, tạo điều kiện cho tảo phát triển mạnh. Do đó phải cắt tảo kết hợp cải thiện môi trường kịp thời bằng Sivibac, là dòng chế phẩm sinh học bền và có khả năng hoạt động cao với liều định kỳ 100g cho 2000m3 nước (đánh vào ban đêm). Dùng men vi sinh cắt tảo là một biện pháp hữu hiệu đã được chứng minh.

Muốn tảo phát triển mạnh là nhờ vào chất dinh dưỡng và ánh sáng, do vậy giảm chất dinh dưỡng chính là một trong những cách hạn chế tảo trong ao. Khi thời tiết thay đổi, quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ cũng sinh ra nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho tảo phát triển vượt mức kiểm soát. Cần kiểm soát lượng cho ăn chặt chẽ, phù hợp với mật độ tôm trong ao, kiểm tra vó thường xuyên sau mỗi cử ăn. Trường hợp phát hiện tảo lam bắt đầu phát triển dày đặc thì giảm ăn hoặc ngừng cho ăn là biện pháp tiên quyết để xử lý vấn đề. Sau đó dùng men vi sinh Sivibac+ chuyên dọn sạch đáy ao để giải quyết tảo, ổn định chất lượng nước, cân bằng sinh học và phát triển nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi.


Khi thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng hoặc mưa kéo dài có thể làm độ mặn trong ao giảm nhanh và phân tầng mặt nước. Đây là điều kiện thuận lợi cho tảo lam phát triển. Nên tăng độ mặn cho ao nuôi (nếu phù hợp) bằng cách bổ sung muối vào ao nuôi ở đầu quạt, liều không quá 10 kg/1000m3 nước. Đồng thời, hiện nay một số ao nuôi đã thả ghép cá rô phi để xử lý ao nuôi một cách thuần sinh học nhất, cá sẽ tiêu thụ tảo và cải thiện môi trường.

Nhanh chóng vớt xác tảo tàn ra khỏi ao, kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng nước để có những thay đổi phù hợp khi bất thường xảy ra. Tăng cường quạt nước, bổ sung OC segen để giải quyết kịp thời tình trạng thiếu oxy trong ao. Sau khi diệt được tảo thì nên bổ sung vào thức ăn tinh dầu tỏi Licin garlic để tăng cường sức khỏe cho tôm nuôi, đồng thời hỗ trợ hệ thống miễn dịch của tôm hoạt động hiệu quả hơn, đủ sức chống lại những thay đổi của môi trường hay sự xâm nhập của các mầm bệnh.

Ngày 31 - 12 - 2019
Phòng kỹ thuật An Bình
Bạn có biết?

Các acid amin tự do trong thức ăn có tác dụng chất dẫn dụ: glycine, betaine, taurine có nhiều trong dịch thủy phân, bột nhuyễn thể

bởi GS TS. Lê Thanh Hùng
Xem thêm
Bạn quan tâm đến nuôi thủy sản an toàn ? Gọi ngay để được tư vấn. call 09 1800 9102