Tác dụng của diệp hạ châu đối với tôm. Ảnh: Anbinh Biochemistry
Ngành nuôi tôm trong những năm gần đây luôn phải đối mặt với dịch bệnh, đặc biệt là bệnh do vi khuẩn. Trong đó, Vibrio chính là nhóm khuẩn nguy hiểm, gây ra không ít thiệt hại cho người nuôi. Có thể kể đến những tác nhân lớn như Vibrio alginolyticus và Vibrio harveyi. Thảo dược (tỏi, gừng ổi) - những loại thuốc sẵn từ lâu đã được sử dụng hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh và kích thích các phản ứng miễn dịch không đặc hiệu của tôm. Tất cả các chiết xuất sinh học từ thảo dược, chẳng hạn như flavonoid, phenol, polysaccharide, axit hữu cơ, ancaloit, glycosid, terpenoid, saponin và steroid đều có thể thúc đẩy sự tăng trưởng, hoạt động như một loại thuốc bổ cho hệ miễn dịch, có tác dụng kháng khuẩn, kích thích sự thèm ăn và chống stress cho tôm. Đồng thời, sử dụng thảo dược thì an toàn, ít tốn kém, hiệu quả nhanh mà lại sẵn có. Các chất chiết xuất này có thể kích thích khả năng miễn dịch ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp. Hơn nữa, chúng có thể phân hủy sinh học, không tồn lưu gây hại và dễ dàng sử dụng bằng những phương pháp đơn giản.
Diệp hạ châu (cây chó đẻ) được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Ảnh: DLVN
Diệp hạ châu (cây chó đẻ), một loại thảo dược phổ biến, được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền, mọc nhiều ở các khu vực nhiệt đới. Diệp hạ châu chứa nhiều hợp chất quan trọng như polyphenol, flavonoid, triterpenes, lignans, sterol và alkaloid, các chiết xuất này cũng đã thể hiện hoạt động dược lý tuyệt vời của chúng. Một chức năng chưa được tìm hiểu sâu của diệp hạ châu đó là kích thích các hoạt động trong hệ miễn dịch không đặc hiệu của tôm. Đó cũng là chủ đề chính của bài viết này.
Diệp hạ châu chứa 3 hoạt tính sinh học quan trọng là phyllanthin, hypophyllanthin và corilagin, có thể hoạt động như một chất điều hòa miễn dịch bẩm sinh tôm. Trước hết, khi sử dụng một loại thảo dược làm thuốc trị bệnh thì phải đánh giá độc tính của nó, để xác định độ an toàn. Đã có nhiều loài cây được sử dụng với liều lượng quá cao gây độc tế bào, nặng hơn là đột biến gen ở vật nuôi. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng chiết xuất ethanol của diệp hạ châu không độc đối với ấu trùng tôm, sử dụng chiết xuất methanol cũng không tìm thấy bằng chứng về độc tính, không có tác dụng phụ xảy ra.
Tôm được bổ sung diệp hạ châu có khả năng sử dụng thức ăn hiệu quả hơn, tăng trưởng tốt hơn so với nhóm đối chứng. Kết quả này giống với khi bổ sung các thảo dược khác (chiết xuất nghệ, gừng, lá ổi hoặc bột tỏi) đối với việc thúc đẩy tăng trưởng của tôm. Tương tự đó, bột diệp hạ châu khi được bổ sung 2% vào thức ăn trong 60 ngày sẽ tăng cường sự phát triển của cá chép. Những kết quả này cho thấy rằng việc bổ sung diệp hạ châu ở mức độ vừa phải trong khẩu phần ăn là có lợi cho sự phát triển của những loài thủy sản.
Chiết xuất diệp hạ châu làm bất hoạt virus đầu vàng gây bệnh trên tôm. Ảnh: Aquaculture
Trước đó người ta đã sử dụng diệp hạ châu để làm bất hoạt virus gây bệnh đầu vàng và bảo vệ cua khỏi bệnh đốm trắng. Ngoài ra, diệp hạ châu khô và tươi ở nồng độ từ 250– 1000ml thể hiện hoạt tính kháng khuẩn mạnh mẽ, chống lại V. parahaemolyticus, tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) ở tôm. Sử dụng 0,5% diệp hạ châu vào thức ăn làm giảm tác động của vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ đối với cá tra.
Vi khuẩn V. alginolyticus là loài Vibrio chiếm ưu thế trong giai đoạn ấu trùng của tôm, nó làm tôm chết trên diện rộng. Việc xác định các phương pháp hạn chế vi khuẩn này là một khía cạnh quan trọng trong nuôi tôm. Khi tôm chết có biểu hiện hoại tử cơ, đây là biểu hiện điển hình của các triệu chứng do V.alginolyticus gây ra. Thử nghiệm sử dụng diệp hạ châu trong 28 ngày liên tục có hiệu quả kiểm soát nhiễm V. alginolyticus đáng kể ở tôm thẻ. Khả năng thực bào và đóng gói vi khuẩn của hệ miễn dịch tôm cũng được nâng cao khi có bổ sung diệp hạ châu vào thức ăn.
Các loài tôm hạn chế sử dụng acid amin tổng hợp