Men vi sinh bổ sung vào thức ăn ngày càng được sử dụng nhiều trong quá trình nuôi tôm. Đây là những lợi khuẩn hỗ trợ quá trình tiêu hóa của tôm, đồng thời kích hoạt hệ miễn dịch hoạt động mạnh mẽ hơn. Vậy cơ chế ra sao?
Probiotic hay còn gọi là chế phẩm sinh học với thành phần là những vi khuẩn sống, có lợi được bổ sung vào cơ thể với một số lượng nhất định, mang lại lợi ích về sức khỏe cho tôm nuôi. Những vi khuẩn có lợi này sẽ cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột của vật chủ, do đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng, kích hoạt hệ thống miễn dịch và các enzyme để nâng cao hiệu quả kháng khuẩn của tôm (Isolauri, Salminen, & Ouwehand, 2004; Nayak, 2010). Sử dụng chế phẩm sinh học không chỉ hữu ích về quan điểm dinh dưỡng mà còn được xem như một phương pháp trị liệu sinh học để ngăn ngừa tác dụng của thuốc kháng sinh. (Chauhan & Singh, 2019; Irianto & Austin, 2002).
Miễn dịch là một hệ thống phòng thủ bao gồm nhiều lớp bảo vệ tôm khỏi các vi khuẩn gây bệnh (Rodrı´guez & Le Moullac 2000). Tôm sở hữu một hệ miễn dịch không đặc hiệu (Sakai 1999 & Bache`re 2000). Nên việc tiêm vaccine hay chất kích thích miễn dịch chỉ có thời gian bảo vệ ngắn hạn chống lại mầm bệnh (Sung et al. 1996). Nhưng những phương pháp điều trị bằng men vi sinh sẽ cung cấp một phổ kháng khuẩn mạnh, tăng cường hoạt động của các thành phần trong huyết thanh và loại trừ sự cạnh tranh trong ruột tôm với thời gian dài. Kết quả thử nghiệm cho thấy nếu kết hợp nhiều loại vi khuẩn trong cùng một chế phẩm sinh học thì có tác dụng tốt hơn những sản phẩm chỉ có một loại vi khuẩn, chúng sẽ hỗ trợ lẫn nhau để kích hoạt hệ miễn dịch một cách đồng loạt (Yangbo Wang*& Qing Gu 2010). Một hệ thống vi khuẩn trong chế phẩm sinh học tổng hợp sẽ có tác dụng thay đổi cả hệ vi sinh trong đường ruột tôm (Hostins et al., 2017; Zheng et al., 2017). Các enzyme chống oxy hóa (MnSOD, GPx, CAT) thường được xem như “dấu ấn sinh học” biểu hiện mức độ các phản ứng miễn dịch của tôm (Campa-Cordova et al., 2002; Li et al.,2007; Li et al., 2008; Shen et al., 2010). Ngoài ra còn có glutathione đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trạng thái oxy hóa khử và giải độc tế bào. Chế phẩm sinh học sẽ làm hoạt động của các enzyme này được cải thiện với tần suất cao hơn.
Bacillus sp - dòng vi khuẩn có lợi đang được ứng dụng rộng rãi trong việc kiểm soát các tác nhân gây bệnh trên tôm nuôi. Đây là nhóm vi khuẩn gram dương, có thể tạo rất nhiều peptide và chất ngoại bào có chức năng kháng khuẩn cao với con số lên tới 66 loại khác nhau. Hơn nửa, Bacillus sp sẽ làm tăng hoạt tính và khả năng hoạt động của các enzyme hỗ trợ tiêu hóa như protease, amylase và làm hàm lượng protein tăng lên một cách đáng kể. Kích thích hệ miễn dịch của tôm, kích hoạt tiền enzyme proPO thực hiện chức năng melanin hóa (tiết hắc tố bao vây, giết chết các vi khuẩn xâm nhập), các hoạt động khác như thực bào, hoạt động hô hấp, bám dính tế bào và khả năng làm việc của các enzyme oxy hóa cũng được cải thiện hơn rất nhiều. Một loại protein liên kết với những chất có lợi bổ sung vào cơ thể (viết tắt là LGBP), được biết đến như là một chìa khóa của phản ứng miễn dịch, chống lại những vi khuẩn xâm nhập và dẫn đến việc kích hoạt hệ thống proPO. Một nghiên cứu đã tìm thấy sự gia tăng của gen LGBP trong gan tụy của tôm thẻ chân trắng (L. vannamei), sau 24 giờ cho ăn thức ăn có bổ sung B. subtilis. Khi các hoạt động miễn dịch tăng hiệu suất thì cũng đồng thời có thể loại trừ sự cạnh tranh làm cho hoạt động của các enzyme tiêu hóa và sự tăng trưởng tốt hơn. (Deng-Yu Tseng a & Pei-Lin Ho 2009).
Điểm lại một số nghiên cứu về tác dụng của Bacillus sp. Vaseeharan và Ramasamy vào năm 2003 đã báo cáo về khả năng chống lại vi khuẩn Vibrio harveyi gây bệnh ở tôm sú (Penaeus monodon) của B. subtilis, cho thấy tỷ lệ tử vong giảm tới 90%. Tốc độ tăng trưởng đáng kể khi bổ sung B. subtilis vào thức ăn cho ấu trùng tôm càng xanh và cải thiện khả năng chống lại vi khuẩn Vibrio alginolyticus và Vibrio parahaemolyticus ( Keysami MA & Saad CR, 2007). Ngoài ra, quan trọng phải đề cập đến là việc ăn nhiều hơn của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) đã được quan sát thấy trong chế độ ăn có chứa B. subtilis và B. licheniformis so với nhóm đối chứng vì không tìm thấy dư lượng thức ăn chưa tiêu hóa. Điều đó chứng minh tôm ăn khỏe hơn với tốc độ tiêu hóa tốt hơn khi có mặt B. subtilis và B. licheniformis trong thức ăn, tỷ lệ sống lên đến mức cao nhất là 100% và 95.5% so với nhóm đối chứng là 86.5% (Rengpipat S & Rukpratanporn S, 2000).
Lactobacillus acidophilus là một loài vi khuẩn thường trực trong ruột tôm, chúng có khả năng lên men tạo acid lactic - một môi trường không thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và nấm. Nghiên cứu về khả năng kháng Vibrio alginolyticus của Lactobacillus Acidophilus trên tôm sú đã được thực hiện tại Ấn Độ. Kết quả cho thấy mật độ vi khuẩn L. Acidophilus cao hơn cả mức bổ sung, mật độ từ 1.6x103 lên đến 3.6x108. Tổng lượng Vibrio trong nghiệm thức cho ăn chế phẩm sinh học giảm mạnh và tăng đáng kể ở nghiệm thức đối chứng. Khi tôm nuôi đã vào cuối vụ thì chất hữu cơ tích lũy do thức ăn thừa và chất bài tiết của tôm sẽ ở mức độ cao. Nhưng sau khi tôm được cho ăn cùng với L. acidophilus thì tỷ lệ sống cao hơn đáng kể.
Một số loài khác như nấm men cũng được xem như là một dạng vi sinh rất có tiềm năng trong việc tăng cường việc đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu trong tế bào nhất là Saccharomyces cerevisiae. Đây được xem là một dạng prebiotic, nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn Lactobacillus hoạt động mạnh mẽ hơn (Hoseinifar, Mirvaghefi,& Merrifield, 2011; Hoseinifar, Mirvaghefi, Mojazi Amiri, Rostami, & Merrifield, 2011; Hoseinifar, Ring, Shenavar Masouleh, &Esteban, 2016).
So sánh các nghiệm thức khi cho ăn riêng từng loại vi khuẩn, thì hoạt động của các enzyme có tăng nhưng không mạnh bằng khi kết hợp nhiều loại vi khuẩn có lợi với nhau vào chung một nghiệm thức. Protease và amylase đã tăng lên đáng kể, nhờ vậy mà cải thiện được hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm cũng như thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng được hấp thu hết, không còn dư lượng. B. subtilis và S. cerevisiae sẽ làm tăng cao lượng protein trong cơ thịt tôm, và làm giảm lượng lipid (Mohammadi, Mousavi,Zakeri, & Ahmadmoradi, 2016). Các nhung mao của ruột cũng sẽ co bóp tốt hơn khi xuất hiện tổng hợp những loại trên trong chế phẩm sinh học được bổ sung.
Như vậy việc kết hợp chung các loại vi khuẩn Bacillus subtilis, B. licheniformis, Lactobacillus acidophilus và Saccharomyces cerevisiae vào men tiêu hóa Bio Bactil sẽ có tác dụng bổ trợ lẫn nhau. Ngoài việc cải thiện tiêu hóa và cạnh tranh với các vi khuẩn có hại thì hỗn hợp vi khuẩn còn hạn chế được bệnh phân trắng và giảm hệ số thức ăn (FCR) khi cho ăn thường xuyên. Hơn nữa trong sản phẩm còn chứa một số thành phần bổ sung giúp những vi khuẩn có lợi “làm việc nghiêm túc” hơn trong đường ruột tôm.