Khi các dải phân trắng bắt xuất hiện nhiều trong vó, trong nước. Đó chính là dấu hiệu đặc trưng của hội chứng cùng tên - Phân trắng (WFS). Hội chứng này đã gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho những trại nuôi tôm thâm canh, đặc biệt là khi nhiệt độ nước cao bất thường. Triệu chứng thường xuất hiện trong các ao nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở giai đoạn từ 50-70 ngày tuổi (hoặc 7-12gr) ở tất cả các độ mặn khác nhau.
Một số nghiên cứu trước đây chứng minh ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) và vi khuẩn Vibrio spp được xem là 2 trong số nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng này. Trong đó, EHP sẽ làm chậm đi sự phát triển của tôm. Mặc dù EHP và cả bào tử của chúng đều được tìm thấy nhiều khi phân trắng xuất hiện, nhưng vẫn không phải là nguyên nhân chính gây ra hội chứng. Bên cạnh đó, lượng Vibrio spp cao được chứng minh là đẩy nhanh sự tiến triển của phân trắng, nhưng vẫn chỉ là nguyên nhân cơ hội. Thế nên đến nay vẫn chưa biết nguyên nhân chính của WFS là gì.
Dấu hiệu bên ngoài dễ thấy nhất của hội chứng là ruột tôm bị “nhuộm” trắng và đứt khúc. Các kết quả dưới đây chỉ ra những thay đổi của mô bệnh học khi hội chứng tiến triển theo những giai đoạn khác nhau. Cùng với đó là sự biến đổi của thành phần vi khuẩn chiếm ưu thế và sự tương tác của chúng trong đường ruột và gan tụy. Phân trắng là dịch bệnh gây đau đầu nhất cho những hộ nuôi ở khu vực châu Á. Theo quan sát lâm sàng và mô học, bệnh được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: bề ngoài tôm bị phân trắng vẫn như tôm khỏe mạnh; gan tụy hơi nâu, mềm, mọng nước, phần giữa gan tụy bị bao phủ bởi một lớp màng trắng, nhưng kích thước vẫn bình thường; dạ dày đen và chứa nhiều thức ăn.
Giai đoạn 2: dạ dày trống rỗng, ruột chứa đầy phân màu trắng có thể nhìn thấy từ bên ngoài; tế bào biểu mô ruột chứa nhiều sắc tố màu nâu khác thường.
Giai đoạn 3: gan tụy teo nhỏ, có màu nâu sẫm, mềm hơn giai đoạn 2, bị xâm nhập bởi nhiều tế bào huyết sắc tố. Dịch lỏng nhiều trong gan tụy, có thể do nước thải từ không bào của tế bào B, gan tụy teo nhỏ và các thành phần được cắt như thạch mềm.
Kiểm tra sâu hơn về mô bệnh học cho thấy, các tế bào trong ống gan tụy tách dần ra khỏi các lớp biểu mô. Giai đoạn 1: ống gan tụy vẫn chứa nhiều tế bào B (tế bào tiết), R (tế bào dự trữ) và F (tế bào tạo khung biểu mô). Đến giai đoạn 2: biểu mô của ống nhỏ và lòng mạch bắt đầu phình ra, độ dày của biểu mô này giảm dần. Và giai đoạn 3: các ống gan tụy đều xẹp, không còn nhiều tế bào B, F và R tồn tại trong các lớp biểu mô mỏng, huyết cầu phát tán rộng, lớp vi nhung mao trong gan tụy biến mất.
Tôm bị phân trắng được chứng minh là ít có liên hệ đến bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), do chủng vibrio spp ở tôm phân trắng không chứa gen mang độc tố gây AHPND. Cộng thêm kết quả phân tích mô bệnh học của AHPND là gan tụy bong tróc, nhưng khi nhiễm phân trắng thì gan tụy teo nhỏ. V. sinaloensis và V. parahaemolyticus được xác định là 2 mầm bệnh xuất hiện nhiều nhất của hội chứng phân trắng trên tôm, nhưng lại không là nguyên nhân chính làm xuất hiện những triệu chứng. Theo đó, có thể khẳng định rằng bệnh phân trắng trên tôm không phải chỉ do một loại vibrio gây ra.
Khi kiểm khuẩn trong gan tụy và ruột tôm bị phân trắng, cho thấy V. sinaloensis gây ra những triệu chứng nặng hơn cho gan tụy tôm so với V. parahaemolyticus. Mật độ vi khuẩn trong gan tụy tăng cao dần từ 19.4 lên tới 76.7% từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 3, kèm theo tình trạng sức khỏe này càng tồi tệ ở tôm. Có thể kết luận, mật độ vibrio spp càng cao lại càng làm trầm trọng thêm mức độ nhiễm phân trắng cho tôm thẻ. Ngoài ra có một sự khác biệt về cấu trúc của hệ vi sinh vật khi tôm bị nhiễm phân trắng, chủng vibrio ngày càng trở nên phong phú và chiếm ưu thế trong cộng đồng. Do vậy Vibrio spp cũng được coi là sinh vật chỉ thị cho hội chứng này.
Theo Insights into the histopathology and microbiome of Pacific white shrimp, Penaeus vannamei, suffering from white feces syndrome by Hailiang Wang, Xiaoyuan Wan, Guosi Xie, Xuan Dong, Xiuhua Wang, Jie Huang.
Tôm thẻ chân trắng được nuôi trong nước biển, không cần bổ sung calci vào thức ăn.