Kỹ thuật nuôi Cá chép thương phẩm

Cá chép là một trong những loài cá nước ngọt phổ biến, được nuôi ở nhiều nơi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Do đó, mô hình nuôi cá chép thương phẩm hiện nay đang không ngừng phát triển rầm rộ ở nhiều nơi trên cả nước và mang lại lợi nhuận rất lớn.

Sau đây sẽ là những tổng hợp kỹ thuật nuôi cá chép thương phẩm để bạn có thêm kiến thức trước khi đến với “nghề cá chép”.

Trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu một vài tập tính của cá chép để có cách chăm sóc hiệu quả nhất. Cá chép là loài cá có nhiều vảy, thịt thơm ngon, dễ thích nghi với môi trường mới hay khắc nghiệt. Chúng sống bầy đàn trong môi trường nước rộng lớn, nước chảy chậm sẽ phát triển tốt nhất. Chúng ăn tạp, có thói quen sục bùn để tìm thức ăn. Trong tự nhiên, cá chép gần như ăn mọi thứ cả thực vật, côn trùng, giáp xác, động vật phù du lẫn cá chết.

1. Chuẩn bị

Hiện nay, người ta nuôi cá chép trong ao là chủ yếu, một số ít vẫn nuôi ghép với các loài cá khác trong lồng bè trên sông.

a. Nuôi ghép cá chép trong lồng bè

Chọn vị trí thông thoáng, ít tàu thuyền qua lại, không bị ảnh hưởng bởi chất thải công nghiệp và xa khu dân cư, thuận lợi cho việc giao thông, cho ăn, chăm sóc và thu hoạch. Nước sâu từ 3m trở lên, đáy lồng cách đáy sông ít nhất 0,5m. Nước chảy chậm, lưu tốc từ 0,2-0,3m/giây. Đảm bảo các yếu tố thủy lý hóa phù hợp: pH 6,5 – 8,5; oxy hoà tan>5mg/lít; NH3<0,01mg/lít; H2S<0,01mg/lít, nhiệt độ nước từ 20 – 330C.

Lồng có diện tích không quá 0,2% diện tích khu vực neo lồng, bố trí từng cụm, mỗi cụm nhiều nhất là 15 lồng, khoảng cách giữa các cụm lồng cách nhau từ 200-300m.

Lồng chắc chắn, có thể làm bằng sắt, bằng tre hay gỗ. Các mặt ngoài bao lưới. Thông thường lồng nuôi sẽ có kích thước từ 75-100m3. Các mặt của thành lồng đều có lớp lưới chắn cao 0,5 m để ngăn thức ăn trôi ra ngoài.

b. Nuôi cá chép trong ao ( nuôi đơn và nuôi ghép)

Ao nuôi hình chữ nhật; bo tròn các gốc; bờ ao cao, chắc chắn; cống cấp và thoát nước riêng biệt, đáy ao hơi dốc về phía cống thoát; có ánh sáng tốt, thuận lợi cho tảo phát triển. Có ao chứa để xử lý nước trước khi cho vào ao và xử lí nước thải trước khi đưa ra môi trường. Diện tích ao nuôi khoảng 10.000m2 , độ sâu khoảng 2.5m.


Tẩy dọn ao nuôi cá chép

Nguồn nước chủ động, chất lượng tốt. Đất thịt; không nhiễm phèn, nhiễm mặn; có độ dính cao. Xa khu dân cư tránh ô nhiễm, giao thông thuận lợi cho vận chuyển thức ăn cũng như khi thu hoạch.

Dọn sạch cây cỏ quanh bờ ao. Tận thu cá tạp và tháo cạn nước. Dùng máy nạo vét bùn, rửa sạch đáy ao để tiêu diệt mầm bệnh. Dùng vôi bột (CaCO3) rải đều khắp đáy ao từ 7-15kg/100m2 để diệt tạp, khử trùng, ngoài ra còn cân bằng pH và cung cấp Canxi cho cá.

Phơi đáy ao ít nhất 2-3 ngày để tăng tác dụng của vôi và cung cấp oxy cho đáy ao (phơi khô đến nức chân chim). Dùng máy bơm nước hoặc lợi dụng thủy triều để cho nước vào ao, lọc bằng lưới có kích thước mắt lưới <1mm may thành túi chắn ở miệng cống để lọc nước không để những loài ngoại lai và mầm bệnh xâm nhập. Trước khi thả giống cần kiểm tra lại các yếu tố môi trường.

Khi nuôi cá chép nên có lớp bùn đáy ao dày khoảng 20-30 cm để làm nguồn thức ăn tự nhiên và là nơi vùi mình theo tập tính của cá.

Điều kiện môi trường cho ao nuôi cá chép về nhiệt độ thường dao dộng từ 20-30oC, độ trong từ 10-20cm (nước màu xanh nõn chuối), pH trong khoảng từ 6,5-8,5, oxy hòa tan (DO) lớn hơn 5mg/l, khí độc NH3 phải nhỏ hơn 0,01 mg/l, hàm lượng sắt tổng cộng không vượt quá 0,2 mg/l và không chứa H2S.

2. Chuẩn bị nước

Khi lấy nước vào ao cần lọc cẩn thận để tránh địch hại hoặc các thủy sản khác có thể cạnh tranh thức ăn…

Khi mực nước đạt yêu cầu có thể dùng một số sản phẩm diệt khuẩn, sát trùng, ức chế hoạt động của kí sinh trùng trong nước như Iodine Violet hay Gluta S.

Sau 48 giờ, tiến hành tạo thức ăn tự nhiên bằng cách phối trộn cám gạo hoặc phân chuồng. Nên sử dụng Holotos để tạo nguồn thức ăn tự nhiên, trứng nước và gây màu trước khi thả nuôi với 1kg/2000-4000m3 nước

3. Chọn và thả giống

Chọn cá giống: chọn mua cá giống ở những trại uy tín, chất lượng giống đồng đều (chiều cao thân 8-10mm), bơi lội linh hoạt, không sây sát, mất nhớt, cơ thể sáng bóng, màu sắc đặc trưng. Giống đã qua kiểm tra chất lượng của cơ quan thú y.

Sử dụng bao ni lông có bơm oxy để vận chuyển cá đến ao nuôi, thả cá khi trời mát, ở đầu gió. Sát trùng cá bằng muối (5-10ppt) hoặc thuốc tím KMnO4 (3-5ppt). Khi thả phải ngâm túi ni lông trong ao từ 15-20 phút , đề cân bằng nhiệt độ trong túi và ngoài ao, sau đó mở 1 đầu túi cho cá từ từ bơi ra ngoài.

Muốn đạt cỡ cá thịt lớn hơn, trung bình 0,7-0,8 kg/con lúc thu hoạch thì nên thả cá với mật độ 3-4 con/m2 ao. Nếu nuôi ghép cá chép trong ao lấy các đối tượng khác là chính thì nên thả cá chép từ 5-10% và phải tính sao cho mỗi con cá chép có khoảng 10-20m2 đáy ao.

4. Chăm sóc và quản lý

Cho ăn theo nguyên tắc 4 định ( định lượng, định chất, định vị, định thời gian). Khẩu phần ăn 2-3% tổng lượng cá trong ao. Khẩu phần ăn càng giảm khi cá càng lớn. Ngày cho ăn 2 lần (sáng và chiều), lúc trời không mưa, nước nhiều oxy.


Cho cá ăn

Cá chép khi nuôi ở mật độ cao thức ăn và điều kiện môi trường không như trong tự nhiên nên sức đề kháng của cá kém hơn, dễ bệnh hơn đặc biệt là bệnh tiêu hóa. Để giúp cá tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, tăng sức đề kháng, kích thích miễn dịch bổ sung BioBactil vào thức ăn 3-5g/kg thức ăn mỗi ngày một lần.

Định kỳ hoặc khi thời tiết bất lợi nên bổ sung thêm vitamin C và các ion hòa tan giúp cá tăng cường trao đổi khoáng – C vitan với liều dùng 1kg cho 1500-2000m3 nước.

Kiểm tra sàn ăn, theo dõi, định kỳ kiểm tra trọng lượng cá cũng như kiểm soát mầm bệnh để có sự thay đổi lượng ăn và khẩu phần ăn phù hợp.

Phải giữ lượng nước thích hợp, hằng ngày kiểm tra bờ ao, cống rãnh.. Thay nước theo định kỳ ( tuần, tháng…) tùy theo mức độ nhiễm bẩn của ao. Mỗi lần thay 20 – 30% lượng nước trong ao. Tăng mực nước theo sự tăng trưởng của cá. Quan sát hoạt động của cá: nổi đầu, bơi lội, sức ăn,… để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường. Bảo vệ cá tránh thất thoát trong mùa lũ (tu sửa bờ ao, rào lưới…).

Theo dõi màu nước thường xuyên để tăng giảm lượng thức ăn, quan tâm đến sự biến động của DO, pH, khí độc… trong ao nuôi không để cá bị sốc khi thay đổi đột ngột các yếu tố trên. Sử dụng ZEO ramin để hấp thu khí độc (nếu có), ổn định môi trường và tăng khả năng hòa tan của oxy vào nước, định kỳ 2-3 ngày dùng 15-20kg cho 1000-2000m3 nước.

5. Thu hoạch


Thu hoạch cá

Thường sau khoảng 6-8 tháng nuôi là có thể thu hoạch. Có thể thu tỉa những con đủ tiêu chuẩn cá thịt. Trước khi thu hoạch 1 ngày phải ngừng cho ăn. Khi thu hoạch phải rút bớt nước. Thống kê sản lượng thu theo số con và trọng lượng để rút kinh nghiệm nuôi năm sau.

Ngày 31 - 10 - 2019
Phòng kỹ thuật An Bình
Chủ đề liên quan:
Bạn có biết?

Tôm thẻ chân trắng được nuôi trong nước biển, không cần bổ sung calci vào thức ăn.

bởi Davis, 1996
Xem thêm
Bạn quan tâm đến nuôi thủy sản an toàn ? Gọi ngay để được tư vấn. call 09 1800 9102