Bổ sung vitamin C cho Cá chẽm

Vitamin C có chức năng đặc biệt trong việc thúc đẩy tăng trưởng, giảm sự căng thẳng và đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương ở cá
Cá chẽm cũng cần vitamin C để phát triển

Cá chẽm cũng cần vitamin C để phát triển. Ảnh: Freshwater Fishes Of Sri Lanka

Có nên thêm vitamin C vào thức ăn cá chẽm?

Những năm gần đây, cá chẽm là một loài được nuôi phổ biến, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Nghề nuôi cá chẽm trở thành một ngành thu hút nhiều sự đầu tư từ các doanh nghiệp. Để có một vụ nuôi cá chẽm thành công thì thức ăn sẽ đóng một vai trò thiết yếu. Thức ăn hỗ trợ trực tiếp sự tăng trưởng và tồn tại của cá. Cá chẽm là loài ăn thịt, chúng ăn rất nhiều, cá tạp và thức ăn viên là thức ăn hằng ngày của chúng, vì vậy cần sự ổn định và phát triển về số lượng cũng như chất lượng.

Để chất lượng thức ăn được đảm bảo và tăng tỷ lệ sống cho cá, người ta đang cân nhắc việc bổ sung thêm vitamin C vào trong thức ăn cho cá chẽm. Vitamin C có chức năng đặc biệt trong việc thúc đẩy tăng trưởng, giảm sự căng thẳng và đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương ở cá. Đây cũng là một hỗn hợp chất hữu cơ có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa thức ăn và sinh lý cá. Bài viết này sẽ tổng hợp những tác động của việc bổ sung vitamin C vào trong thức ăn đối với sự tăng trưởng của cá chẽm và liều lượng tối ưu nhất của vitamin C cần bổ sung.

Vitamin C giúp cá chẽm phát triển

Vitamin C hỗ trợ các chức năng sinh lý ở cá chẽm. Ảnh: Wikimedia

Kết quả sau bổ sung vitamin C cho cá

Sau thí nghiệm, việc bổ sung vitamin C với một lượng nhất định vào thức ăn cho thấy sự tăng trưởng đáng kể ở cá chẽm. Trọng lượng của cá khi không có bổ sung vitamin C trung bình khoảng 13,32g/con. Trong khi thức ăn có vitamin C thì trọng lượng của cá chẽm cùng cỡ lên tới 19,79g/con, tăng 2,6%. Ở một nghiên cứu khác, vitamin C được bổ sung vào thức ăn của cá mú chấm nâu cũng được chứng minh hỗ trợ sự tăng trưởng, tỷ lệ sống cũng cao hơn so với khi chỉ cho ăn thức ăn đơn thuần.

Việc tăng trưởng của cá liên quan đến rất nhiều yếu tố, bao gồm di truyền, khả năng kháng bệnh và sự bắt mồi của cá. Ngoài ra còn phụ thuộc vào các tính chất hóa học, vật lý và sinh học của môi trường nước. Nhiệt độ, thức ăn và chất lượng nước là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển của cá chẽm. Cá chẽm thích nghi với nhiệt độ cao, khoảng 29-32oC. Do đó, ở nhiệt độ thấp hơn, chúng suy yếu nhanh các phản ứng miễn dịch, ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và dễ mắc bệnh chết. Đáng ghi nhận là cá chẽm có khả năng chống chịu cao với những thay đổi độ mặn của môi trường, nên cũng dễ nuôi và dễ thích nghi.

Tỷ lệ sống cao nhất của cá cao ở nhóm có bổ sung vitamin C, hơn 47%, đó là một tỷ lệ sống vừa phải đối với cá chẽm. Những điều này cho thấy vitamin C có chức năng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và tăng tỷ lệ sống cho loài cá này. Tỷ lệ sống của cá chẽm thường ở mức độ trung bình là do nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thích nghi của cá với thức ăn và môi trường, tình trạng sức khỏe của cá, mật độ cá nuôi và chất lượng nước để hỗ trợ sự tăng trưởng của cá.

Vitamin C complex giúp tăng trọng cho cá chẽm

C complex bổ sung vào thức ăn cá chẽm. Ảnh: Anbinh Biochemistry

Trong các hệ thống nuôi cá chẽm, sự bùng phát của dịch bệnh là một trong những mối đe dọa chính đối với tính bền vững của quá trình sản xuất. Từ các triệu chứng cho thấy, bệnh xảy ra nhiều trên cá chẽm là bệnh do nhiễm vi khuẩn. Cụ thể là nhóm vi khuẩn vibrio, làm cá chán ăn, đổi màu, xuất huyết ở miệng và bề mặt da, vây cá bị thối rữa, cá nổi đầu, gan và lách to dần đến khi cá chết. Và khi bổ sung vitamin C complex vào thức ăn thì các triệu chứng trên cũng giảm đáng kể khi cá mắc bệnh.

Tóm lại, thêm vào thức ăn cá chẽm C complex, hỗ trợ sự tăng trưởng, tăng tỷ lệ sống và giảm triệu chứng bệnh ở cá chẽm một cách đáng kể. Với liều lượng tối ưu là 4g/kg thức ăn, thì đây là một phương pháp tốt để chăm sóc cá chẽm trong quá trình nuôi, hạn chế nhiều bệnh tật và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Reference: Muhammad Aris , Fatma Muchdar, Growth performance and survival rate of Asian seabass (Lates calcarifer) with the utilization of vitamin C in feed, Budidaya Perairan (2020).

Ngày 02 - 08 - 2021
Phòng kỹ thuật An Bình
Chủ đề liên quan:
Bạn có biết?

Gan không có dây thần kinh, nên gan bị tổn thương gần như tôm không bị ảnh hưởng đến hoạt động cho đến khi gan hoàn toàn bị hư hại.

bởi Khuyết danh
Xem thêm
Bạn quan tâm đến nuôi thủy sản an toàn ? Gọi ngay để được tư vấn. call 09 1800 9102