Bệnh thường gặp trên cá diêu hồng, cá rô phi nuôi thương phẩm

Cá diêu hồng, cá rô phi hiện nay được xem loài chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu. Trong quá trình nuôi, môi trường không được đảm bảo, mầm bệnh hoành hành và cá bị stress là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi.
Cá điêu hồng nuôi

Để có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, sau đây chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết về một số bệnh thường gặp trên cá rô phi và cá diêu hồng nuôi thương phẩm.

1. Các biện pháp phòng bệnh tổng hợp

Vì mầm bệnh đều tồn tại sẵn trong nước, chờ có cơ hội là xâm nhập gây bệnh. Nên việc tận diệt chúng là một điều không thể. Do đó, nên tập trung làm sạch môi trường để hạn chế chúng có điều kiện tăng sinh lây nhiễm vào cơ thể cá và chú ý đến việc tăng cường miễn dịch để cá có sức khỏe chống lại mầm bệnh

a. Tập trung vào sức khỏe cá

Từ khâu chọn giống là quan trọng nhất, giống mua ở những cơ sở uy tín, chất lượng ổn định, không xây xát, mất nhớt. Thuần dưỡng trước khi thả. Thả cá cẩn thận, khi trời mát, oxy nhiều. Mật độ nuôi vừa phải.

Cho cá ăn đúng giờ, không cho ăn quá dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước, thức ăn đảm bảo chất lượng, không hư, mốc. Nên có sàng ăn để kiểm soát lượng thức ăn tốt hơn đối với nuôi ao.

Trong khẩu phần ăn hằng ngày nên bổ sung thêm men tiêu hóa Bio Bactil với liều 2-3ml/kg thức ăn để tạo hệ vi sinh có lợi trong đường ruột cá, giúp cá tiêu hóa tốt hơn, cải thiện sức khỏe cũng như khả năng miễn dịch của cá.

Để chống sốc cho cá khi thời tiết thay đổi cũng như bổ sung thêm khoáng chất, vitamin C, giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi, định kỳ phải sử dụng C vitan 1kg cho 1500-2000m3 nước.

Phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe cá để có cách xử lý kịp thời khi có bất thường xảy ra, loại bỏ cá yếu, bệnh ra khỏi khu vực nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho vụ nuôi.


b. Đảm bảo môi trường nuôi ổn định

Việc xử lý ao, lọc nước trước khi thả cần chú ý nghiêm ngặt, nhất là khâu diệt tạp khử trùng, dùng Gluta S với liều 1 lít cho 2000m3 nước để sát trùng nước và loại bỏ một số vi khuẩn, ký sinh trùng tồn tại trong nước (Gluta S có khả năng tự hủy sinh học, không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá).

Hằng ngày kiểm tra các yếu tố chất lượng nước như pH, oxy hòa tan, độ mặn, nhiệt độ, nhất là nồng độ các chất độc NH3, H2S gây ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cá nuôi. Phải sử dụng ZEO ramin với liều 1kg cho 1000-2000m3 nước định kỳ 2-3 ngày 1 lần để hấp thu khí độc, các kim loại nặng và giúp oxy hòa tan tốt hơn vào trong nước.

Đối với nuôi lồng, phải thường xuyên vệ sinh lồng, cọ rửa, làm sạch các rong rêu, các sinh vật bám. Sửa chữa các mắc lưới gần rách hay các vết nứt để hạn chế thất thoát cá ra ngoài, kiểm tra kỹ hệ thống dây neo, hằng ngày vớt thức ăn thừa ra khỏi lồng. Sau mỗi đợt nuôi kéo lồng lên quét bằng Iodine Violet pha 1ml với 2 lít nước rồi phơi nắng trong 1- 2 ngày để sát trùng, tiêu diệt một số mầm bệnh bám trên đó.

2. Bệnh lồi mắt, nổ mắt

Nguyên nhân: liên cầu khuẩn Streptococus

Điều kiện phát sinh: khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao với mật độ nuôi dày, khép kín.

Dấu hiệu: cá bị mất phương hướng bơi lội, có dấu hiệu hôn mê, vùng mắt bị tổn thương, viêm, lồi, chảy máu. Cá sẫm màu, xuất huyết, lở loét toàn thân nhất là mắt và gốc vây, hậu môn. Bên trong xoang bụng có chứa dịch lỏng; gan, túi mật, lá lách sưng, trương lên, xuất huyết. Khi cá bị bệnh nặng màng trong khoang bụng và các cơ quan nội tạng có xu hướng dính nhau, thấy rõ các tơ huyết ở màng trong xoang bụng.


Phương pháp phòng trị: sử dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, mỗi cử ăn nên trộn vào thức ăn men tiêu hóa Bio Bactil 2-3ml/kg thức ăn để tạo hệ vi sinh đường ruột cho cá, giúp cá tiêu hóa tốt hơn và góp phần tăng cường hệ miễn dịch chống lại mầm bệnh.

3. Bệnh xuất huyết, viêm ruột

Nguyên nhân: vi khuẩn Aeromonas hydrophyla hầu như luôn hiện diện trong nước lợ, nước ngọt. Ngoài ra viêm ruột còn do thức ăn kém chất lượng, nấm mốc gây ra.

Điều kiện phát sinh: xuất hiện nhiều trên cá diêu hồng nuôi bè, bệnh xuất hiện quanh năm, nhiều nhất là vào mùa mưa, khi các yếu tố chất lượng nước thay đổi, NH3 quá cao làm cá yếu. Cá nuôi có thể nhiễm vi khuẩn ở cả giai đoạn giống lẫn giai đoạn trưởng thành với cửa ngõ xâm nhập sẽ là các vết thương trên bề mặt da của chúng và theo đường tiêu hóa vào cơ thể cá. Với mức nhiễm cao, sẽ xuất hiện các triệu chứng nặng dẫn tới tử vong.

Dấu hiệu: cá bị xuất huyết toàn thân, bụng trương rất to, hậu môn sưng đỏ, đầu và mắt cá sưng lồi.


Phương pháp phòng trị: kiểm soát tảo cũng như thức ăn tự nhiên trong ao, dùng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Bổ sung vào thức ăn vitamin C để cá tăng sức đề kháng, có sức khỏe tốt hơn để vượt qua bệnh.

4. Bệnh trắng mang, thối mang

Nguyên nhân: vi khuẩn Myxococcus piscicolas

Điều kiện phát sinh: vi khuẩn phát triển mạnh ở pH 6.5-7.5, nhiệt độ ấm từ 25-35oC, mùa xuân, mùa thu, ở những ao ô nhiễm mùn bã hữu cơ cao.

Dấu hiệu: cá sẫm màu, tách đàn, lờ đờ trên mặt nước, giảm bắt mồi, xương nắp mang bị biến dạng, tơ mang bị thối, rách, ăn mòn, dính bệt vào nhau và nhợt nhạt, chất nhầy tiết ra nhiều cản trở hô hấp.


Phương pháp phòng trị: làm tốt các biện pháp phòng bệnh chung, treo túi vôi khi nuôi lồng cá diêu hồng để cải thiện chất lượng nước, diệt một số mầm bệnh, thêm vào thức ăn men vi sinh, vitamin, khoáng chất để tăng khả năng miễn dịch.

5. Bệnh do virus TiLV

Nguyên nhân: Tilapia Lake Virus

Điều kiện phát sinh: virus phát sinh ở nhiều điều kiện khác nhau, có thể nhiễm trên mọi giai đoạn phát triển của cá, tỷ lệ chết rất cao lên tới 90% nhất là trong 1,2 tháng nuôi đầu. Bệnh lây lan rất nhanh từ cá bệnh sang cá khỏe, từ nguồn nước và các dụng cụ dùng chung.

Dấu hiệu: cá bệnh trở nên sẫm màu, chán ăn, bơi lội không định hướng, không kéo đàn, mắt teo hay lồi ra, nhiều vết loét, bong tróc trên da, bụng phồng to, não xung huyết và xuất huyết.


Phương pháp phòng trị: hiện nay chưa có biện pháp trị dứt điểm bệnh này, do đó, tập trung vào các biện pháp phòng bệnh là chính. Khi có hiện tượng bất thường phải báo cho cơ quan thú y gần nhất, tuyệt đối không vận chuyển cá trong ao bệnh sang vùng nuôi khác, xử lý cá chết đúng nơi quy định.

6. Bệnh do Ký sinh trùng

a. Trùng bánh xe (trùng mặt trời)

Điều kiện phát sinh: trùng thường phát triển mạnh vào mùa xuân, thu, nhiệt độ nước từ 25-30oC.


Dấu hiệu: cá ngứa ngáy, tách đàn nổi trên mặt nước, trùng bám đầy làm vây, mang đầy nhớt, bạc trắng, cá không hô hấp được, ngạt thở.

Phương pháp phòng trị: tắm cá với BKC 80 hoặc iv-site với liều 1 lít cho 90-100 tấn cá trong 2 ngày liên tục.

b. Trùng quả dưa

Điều kiện phát sinh: thường xuất hiện vào mùa mưa, trời mát, nhiệt độ 25-26oC, gây bệnh chủ yếu trên cá hương.


Dấu hiệu: trên da cá có những hạt tròn lấm tấm màu trắng, trùng bám nhiều làm da mang nhiều nhớt, nhợt nhạt, cá ngạt thở do biểu mô mang bị phá hủy, cá yếu chỉ còn nổi đầu trên mặt nước, đuôi bất động, cắm xuống nước. Sau cùng cá lộn nhào mấy vòng rồi lật bụng chìm xuống đáy và chết.

Phương pháp phòng trị: áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp là hiệu quả nhất. Cho cá tắm với KMnO4, sổ ký sinh trùng với Wirta 500 liều 5g/kg thức ăn.

c. Sán lá đơn chủ và rận cá

Điều kiện phát sinh: chúng thường xuất hiện khi nước mát, mùa xuân


Dấu hiệu: bám vào da, mang, hút máu cá, phá hoại tổ chức mang, làm mang tiết nhiều chất nhày, tạo nhiều vết viêm loét, làm cửa ngõ cho vi khuẩn nấm tấn công gây bệnh nặng hơn.

Phương pháp phòng trị: dùng BKC 80 liều 1 lít cho 1500m3 nước kết hợp cho cá ăn Wirta 500 liều 5g/kg thức ăn.

7. Bệnh do nấm thủy my

Điều kiện phát sinh: khi bị lạnh cá thường chúi xuống bùn để trú ẩn và bị nấm tấn công, nhiệt độ thích hợp từ 18-25oC, khi mật độ nuôi dày, ô nhiễm, hàm lượng hữu cơ cao.


Dấu hiệu: ban đầu trên da xuất hiện các vùng trắng xám, sau vài ngày tại đó mọc lên các sợi nấm mảnh và phát triển thành từng búi nấm trắng như bông, một đầu bám vào da cá, đầu kia tự do ngoài môi trường nước. Cá bệnh bơi hỗn loạn do bị ngứa ngáy, thích cọ sát vào các vật thể trong nước làm tróc vảy trầy da, tạo cơ hội cho vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh xâm nhập làm cá bị bệnh nặng hơn.

Phương pháp phòng trị: làm tốt các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, diệt tạp khử trùng, ổn định pH, hạn chế những tác động cơ học hay ký sinh trùng làm cá tổn thương tạo điều kiện cho bào tử nấm xâm nhập.

Ngày 15 - 11 - 2019
Phòng kỹ thuật An Bình
Chủ đề liên quan:
Xem thêm
Bạn quan tâm đến nuôi thủy sản an toàn ? Gọi ngay để được tư vấn. call 09 1800 9102