Việc ứng dụng những loại thảo dược phải dựa trên hiểu biết về dược tính của thảo dược. Từ đó, áp dụng đúng cách thảo dược đã thúc đẩy tăng trưởng, kích thích sự thèm ăn, chất kích thích miễn dịch và các đặc tính chống độc trong nuôi tôm cá.
NTTS đang có những bước phát triển ấn tượng đi kèm với việc mở rộng các hệ thống bán thâm canh và thâm canh. Tuy nhiên, càng nuôi thâm canh thì càng xuất hiện nhiều bệnh, do thủy sản dễ bị tổn thương bởi những áp lực từ môi trường sống như chất lượng nước kém, nhiệt độ môi trường cao và mật độ nuôi quá dày. Những yếu tố bất lợi này có tác động rất tiêu cực đến thủy sản, bao gồm suy giảm khả năng miễn dịch, ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng, làm rối loạn cân bằng trao đổi chất, thậm chí gây ra nhiều dịch bệnh và tử vong hàng loạt.
Các chất hóa học khác nhau đã được sử dụng trong điều trị và phòng ngừa bệnh cho cá nuôi nhưng chúng không được khuyến khích sử dụng vì việc sử dụng không đúng cách và liên tục có thể dẫn đến sự phát triển tiềm ẩn của vi khuẩn kháng kháng sinh, ô nhiễm môi trường và tích tụ dư lượng chất độc hại trong tôm cá. Vắc xin là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản nhưng chỉ có tác dụng chống lại một loại mầm bệnh nhất định.
Gần đây, thảo dược hứa hẹn là một nguồn thay thế quan trọng trong điều trị cho thủy sản. Với rất nhiều lợi ích bao gồm rẻ tiền, hiệu quả cao, độc tính thấp và ít tác dụng phụ. Có thảo dược được sử dụng tất cả các bộ phận, cũng có từng bộ phận (lá, rễ, hạt, quả, hoa hoặc các hợp chất chiết xuất), có thể được sử dụng tươi hoặc dưới dạng chiết xuất đã chế biến với các dung môi khác nhau (nước, metanol, cloroform, etyl axetat). Trong số các dung môi này, etanol và metanol được sử dụng phổ biến nhất trong quá trình chiết tách.
Chiết xuất từ thảo dược có thể được sử dụng cho thủy sản bằng cách tiêm (tiêm bắp và trong màng bụng), theo đường tiêu hóa, ngâm hoặc tắm. Trong đó, phương pháp tiêm phúc mạc là nhanh chóng và hiệu quả nhất so với các phương pháp khác. Phương pháp tắm được sử dụng rộng rãi để điều trị ngoại ký sinh, nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn cho môi trường. Do đó, dùng theo đường tiêu hóa là phương pháp thích hợp nhất cho nuôi trồng thủy sản để nâng cao sức khỏe và tăng cường khả năng miễn dịch chống lại mầm bệnh của chúng.
Tác dụng của thảo dược trong nuôi trồng thủy sản chủ yếu phụ thuộc vào sinh lý và ứng dụng của thực vật (phương thức sử dụng, bộ phận thực vật, cách bào chế, liều lượng và thời gian điều trị), và hiệu quả của thực vật chống lại các mầm bệnh khác nhau. Các hợp chất có nguồn gốc từ các bộ phận khác nhau của thảo dược đã được nghiên cứu trong nuôi trồng thủy sản và được sử dụng như lá cây (37%), tinh dầu thực vật hoặc dịch chiết (22%), rễ (18%), hạt. (8%), vỏ cây (6%), quả (6%) và hoa (4%).
Nhìn chung, các loại thảo dược đã thúc đẩy tăng trưởng, kích thích sự thèm ăn, chất kích thích miễn dịch và các đặc tính chống độc trong nuôi tôm cá. Việc ứng dụng những loại thảo dược này trong nuôi trồng thủy sản không chỉ giới hạn ở liệu pháp hóa học mà còn có thể được sử dụng trong nhiều hoạt động có lợi khác. Trong bài viết này, sẽ thông tin ngắn gọn về các đặc tính chức năng chính của các loại cây dược liệu khác nhau và ứng dụng của chúng trong nuôi trồng thủy sản.
Thảo dược hoạt động như chất kích thích sự thèm ăn và thúc đẩy tăng trưởng của tôm cá. Việc tăng cường tiết enzym tiêu hóa dẫn đến tăng tỷ lệ sống và tăng trưởng cho động vật thủy sản. So với thuốc kháng sinh, thảo dược rất giàu protein, axit amin, lipid, vitamin và một số thành phần chưa rõ nguồn gốc, có tác dụng tăng trưởng và tăng cường trao đổi chất cho thủy sản.
Việc sử dụng thuốc gây mê thảo mộc ngày càng tăng trong nuôi trồng thủy sản do nhiều loại tinh dầu / chiết xuất từ thảo dược và một số hợp chất từ thực vật có tác dụng gây mê. Hầu hết các cây thảo dược này thuộc họ Lamiaceae, Verbenaceae, Lauraceae và Myrtaceae. So với hợp chất eugenol có nguồn gốc từ dầu đinh hương là chất gây mê thảo dược phổ biến, các loại thảo dược khác được thử nghiệm đều ít hiệu quả hơn trong việc gây mê cho cá.
Nuôi thâm canh gây ra nhiều bất lợi trong nuôi trồng thủy sản do các yếu tố vật lý hoặc hóa học tác động, dẫn đến dịch bệnh. Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu báo cáo rằng thảo dược có tác dụng chống stress cho thủy sản. Chiết xuất từ lá Chùm ngây cải thiện khả năng chống chịu với nhiệt độ cao và chống stress ở tôm càng xanh. Đại hoàng dược dụng chống lại chứng tăng thân nhiệt trên tôm càng sông. Chiết xuất từ Củ cải chống stress oxy hóa cho cá rô phi. Nghệ cũng làm giảm tác động tiêu cực do nuôi mật độ cao và cải thiện khả năng chống stress khi tiếp xúc với đồng trên cá chép.
Các hệ thống nuôi thâm canh liên tục phải tiếp xúc với các yếu tố gây căng thẳng bao gồm các rối loạn hóa học, sinh học và vật lý. Một loạt các hợp chất hóa học được tìm thấy trong thảo dược có đặc tính chống oxy hóa, giúp tăng khả năng miễn dịch ở tôm cá. Nhiều thảo dược được chứng minh là chất chống oxy hóa bao gồm: Xoài, Xuyên tâm liên, Tầm ma, Chè, Gừng, Tỏi, Hương nhu trắng, Rau sam, Kinh giới cay,...
Các loại thảo dược có chứa các hợp chất sinh học khác nhau như polysaccharides, alkaloid hoặc flavonoid được khuyến khích làm chất kích thích miễn dịch trong nuôi trồng thủy sản. Các chất chiết xuất từ thảo dược này sẽ tăng cường phản ứng miễn dịch của tôm cá như lysozyme, bổ thể, thực bào, glutathione peroxidase và phenoloxidase chống lại vi khuẩn, nấm, virus và ký sinh trùng. Các chiết xuất thảo dược chứa hoạt tính kích thích miễn dịch sẽ làm tăng hệ thống miễn dịch bẩm sinh và ngăn ngừa bệnh tật trong nuôi trồng thủy sản, bao gồm: Nhục đậu khấu, Kim ngân, Bồ công anh, Cỏ gà, Me rừng, Xuân tiết, Tai tượng Ấn, Lựu, Bạc hà Âu,...
Các chiết xuất từ thảo dược ức chế sự phiên mã của vi rút, giảm sự nhân lên của nó trong tế bào vật chủ và tăng cường phản ứng miễn dịch bẩm sinh của sinh vật chủ. Một số thảo dược có tác dụng kháng vi rút gây bệnh bao gồm: Cỏ gà, Ô liu, Dành dành, Cà dại hoa vàng, Kim ngân, Đại hồi, Mảnh cộng, Xoài, Hoàng liên bắc, Gừng, Dạ hoa, Lựu, Ổi, Mã đâu linh, Cúc mai, Me rừng, Bông ổi (Hoa ngũ sắc), Xoan, Chi Cà…
Các đặc tính kháng khuẩn của thảo dược và các hợp chất của chúng đã được nghiên cứu rất nhiều trong nuôi trồng thủy sản. Các hợp chất này có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn Gram dương và Gram âm trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản. Đây được coi là một loại thuốc kháng khuẩn thay thế kháng sinh hiệu quả trong nuôi thủy sản. Thảo dược kháng khuẩn bao gồm: Cà gai leo, Xuyên tâm liên, Sầu đâu, Ổi, Bạc hà Âu, Bần chua, Sâm Ấn Độ, Tỏi, Hương nhu trắng, Bạc hà Âu, Bần chua, Sâm Ấn Độ, Tỏi, Hoàng kỳ, Yucca, Dương Xỉ Tóc Thần Vệ Nữ, Hương thảo, Xoan, Sao nhái hồng, Trầu không, Hương xuân, Me rừng, Thanh táo…
Thảo dược từ lâu đã được biết đến là có tác dụng diệt ký sinh trùng đối với cá. Các loài thực vật thường được sử dụng bao gồm: Thanh hao hoa vàng, Tràm trà, Oải hương, Ngũ bội tử, Hương nhu trắng, Cúc mai, Gừng, Chè, Xoan, Cúc La Mã, Bạch quả, Hương thảo, Sài Hồ, Thanh yên, Kim Quế…
Trong nuôi trồng thủy sản, chiết xuất từ thảo dược có tác dụng kháng nấm và ngăn chặn các đặc tính của nấm. Cụ thể, những hợp chất này sẽ làm thay đổi tính thấm của nấm, ảnh hưởng đến sự trao đổi chất, RNA và tổng hợp protein, cuối cùng gây ra cái chết cho nấm bệnh. Các thảo dược chống nấm bao gồm Bàng, Trầu không, Tràm trà, Giần sàng, Vân mộc hương, Cửu lý hương, Gừng, Tỏi, Dạ hoa…
Các loài giáp xác hạn chế sinh tổng hợp các acid béo HUFA, do đó bổ sung dầu cá trong thức ăn là cần thiết.