Quy trình nuôi cá diêu hồng trong lồng bè đạt hiệu quả cao

Là dòng con lai của cá rô phi vằn và cá rô phi đen , cá diêu hồng (cá rô phi đỏ) là nguồn thực phẩm ngày càng được ưa chuộng trên thị trường. Từ năm 1997, cá diêu hồng đã được nhập từ Đài Loan về để nuôi thương phẩm. Đến nay chúng đã phát triển tốt trong điều kiện khí hậu bản địa và là đối tượng nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.
Cá điêu hồng (cá diêu hồng)

ĐBSCL là vùng nuôi cá diêu hồng lớn nhất hiện nay. Để tận dụng hệ thống sông ngòi và các thủy vực, hình thức nuôi phổ biến nhất là cá diêu hồng đơn tính đực nuôi trong lồng bè. Dưới đây là quy trình kỹ thuật nuôi giúp cá diêu hồng lớn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

1. Đặc điểm sinh học của cá diêu hồng

Tên diêu hồng (hay điêu hồng) bắt nguồn từ Trung Quốc vì cá có hình dạng giống cá tráp đỏ (dịch tiếng Trung là “hồng điêu”). Toàn thân cá phủ vảy màu đỏ hồng hoặc màu vàng. Cũng có những cá thể trên thân có màu hồng xen lẫn những đám vảy màu đen.

Giống như cá rô phi, cá diêu hồng là một loài cá nước ngọt, chịu phèn kém, và vẫn phát triển tốt trong môi trường nhiễm mặn nhẹ 5-12 phần nghìn. Cá diêu hồng ăn tạp, thức ăn thiên về nguồn gốc thực vật như cám, bã đậu, bèo tấm, rau muống và các chất như mùn bã hữu cơ, tảo, ấu trùng. Tuy nhiên hiện nay cá nuôi với mật độ cao, quy mô lớn nên hầu hết sử dụng thức ăn viên (độ đạm 20-25%) để dễ kiểm soát và hạn chế thất thoát.

Cá diêu hồng sinh sản nhiều, đẻ quanh năm, ấp trứng trong khoang miệng. Cá diêu hồng là một loại cá có chất lượng thịt thơm ngon, có màu trắng, trong sạch, các thớ thịt có cấu trúc chắc và đặc biệt là không quá nhiều xương.

2. Chuẩn bị lồng nuôi và chọn vị trí

a. Thiết kế lồng

Lồng nuôi phải được thiết kế chắc chắn, bao gồm các bộ phận khung lồng, phao, nhà bảo vệ, lưới lồng, dây neo, đá cố định lồng,...

Khung lồng nên làm bằng sắt, tùy theo điều kiện nuôi mà có kích thước hợp lý. Thông thường có kích thước 24 x 12m, gồm 2 dãy, mỗi dãy 5 ô, mỗi ô kích thước 4,5 x 4m hoặc khung lồng có kích thước 14 x 10,5m được chia làm 2 dãy, mỗi dãy 3 ô nuôi, mỗi ô kích thước 4,5 x 4m. Khung lồng được cố định bằng dây neo ở 4 góc.


Dùng tấm xốp hoặc thùng phuy nhựa làm phao, mỗi ô lồng bố trí từ 4-6 phao được cố định vào khung lồng bằng dây thép.

Lồng lưới có dạng hình chữ nhật, các mặt xung quanh và mặt đáy bao lưới, mặt trên miệng lồng để hở, kích thước mắt lưới phụ thuộc vào cỡ cá thả. Ba loại kích thước mắt lưới phổ biến là 2a =1cm, 2a = 2,5cm và 2a = 4cm. Đáy lưới lồng được cố định bằng dây giềng nối với đá đủ nặng, kéo thẳng các góc lồng.

Cá diêu hồng nuôi trên sông và hồ chứa thường sử dụng lồng có kích thước vừa và nhỏ, với 75m3 (5 x 5 x 3m), chiều sâu mức nước thả nuôi là 2,5m. Trên các mặt của thành lồng đều có lớp lưới chắn cao 0,5m để ngăn thức ăn trôi ra ngoài.

Thông thường nhà bảo vệ có diện tích bằng 1-2 ô lồng nuôi.

b. Chọn vị trí đặt lồng

Khi nuôi cá trong lồng, chất lượng nước rất khó quản lý vì hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Do đó, việc chọn vị trí tốt, thích hợp để neo lồng sẽ có ảnh hưởng quyết định đến sự thành bại của vụ nuôi.

Vị trí đặt lồng phải thông thoáng, nước sạch không ô nhiễm chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt, gần đường giao thông thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý, vận chuyển cũng như thu hoạch sau này. Nơi ít tàu thuyền qua lại, hạn chế việc ảnh hưởng đến chất lượng nước.


Đặt lồng ở sông hồ có độ sâu ít nhất là 3-4m, lồng đặt cách đáy 0,5m. Không đặt ở nơi nước chảy quá xiết hoặc nước đứng, khúc sông có nguy cơ sạt lở, tốt nhất là vị trí có lưu tốc 0,2-0,3m/giây.

Điều kiện chất lượng nước phù hợp bao gồm pH 6,5 - 8,5; oxy hoà tan > 5mg/lít; NH3 < 0,01mg/lít; H2S < 0,01mg/lít, nhiệt độ nước từ 20 - 33oC. Mức độ nhiễm bẩn của nguồn nước, vật chất lơ lửng, sinh vật gây bệnh trong nước thấp. Khả năng làm bẩn lồng kém, quan tâm chất đáy, giá thể xung quanh và điều kiện thành lập trại nuôi như phương tiện, trang thiết bị, an ninh, kinh tế - xã hội,...

Lồng bố trí so le hình chữ Z thành từng cụm để đảm bảo lưu lượng nước chảy qua. Mỗi cụm 10-15 lồng, khoảng cách giữa các cụm khoảng 200-300m. Diện tích lồng bè chiếm không nhiều hơn 0,2% diện tích khu vực mặt nước. Giữa các hộ nuôi phải có khoảng cách nhất định. Vùng nuôi cá diêu hồng theo đúng quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Chọn con giống và thả giống

Giống phải chọn mua ở những có cơ sở uy tín, chất lượng, được kiểm dịch đầy đủ. Kích cỡ giống đồng đều, cơ thể sáng bóng, màu sắc đặc trưng, không dị hình, dị dạng, không mất nhớt, xây xát.

Sử dụng bao ni lông có bơm oxy để chứa cá và vận chuyển hở trong thùng phuy nhựa để cá không sốc trong quá trình vận chuyển.

Tắm nước muối (2-3%) cho cá trong 10-15 phút trước khi thả xuống lồng nuôi để sát trùng.

Cách thả: thả giống vào buổi sáng sớm, ngâm túi chứa cá trong lồng 15-20 phút để cân bằng nhiệt độ trong và ngoài bao ny lông rồi mở một đầu bao cho cá bơi từ từ ra ngoài.

Mật độ thả thích hợp thường từ 40-80 con/m3. Xác định mật độ nuôi phù hợp căn cứ vào lưu tốc dòng chảy, oxy hòa tan và khả năng chăm sóc nuôi dưỡng. T Tránh nuôi quá dày dẫn đến cạnh tranh dinh dưỡng, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh khi nuôi. Cỡ cá nuôi tốt nhất là 30-40g/con.

4. Chăm sóc và quản lý

a. Cho ăn

Thức ăn cho cá diêu hồng có thể là thức ăn tự chế biến hay thức ăn công nghiệp có độ đạm 20-28%. Chọn kích cỡ viên phù hợp với cỡ miệng cá, có mùi thơm để dẫn dụ được cá.

Thức ăn chế biến được phối trộn từ cám, tấm, rau xanh (nghiền nhỏ), bột cá (bột tép), bột đậu nành, premix khoáng, vitamin. Nấu chín các nguyên liệu trên rồi vo viên phơi khô hoặc cho vào máy ép thành sợi. Để cá kháng bệnh tốt, kích thích tiêu hóa và chống sốc khi môi trường thay đổi nên bổ sung C complex 2g/kg thức ăn, định kỳ 2 ngày 1 lần.


Cho ăn ngày 2-3 lần cách nhau 4-6 giờ một lần. Khẩu phần ăn tùy thuộc vào lượng ăn của cá, thường bằng 3-5% trọng lượng cá trong lồng nuôi. Cho ăn từ từ vào rải nhiều vị trí để đảm bảo tất cả các cá thể đều được ăn.

b. Quản lý lồng nuôi

Định kỳ 2 lần/tuần vệ sinh, cọ rửa lồng, tẩy sạch rong rêu hay sinh vật bám, loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng bám trong và ngoài lồng để cắt đứt nguy cơ gây nên dịch bệnh.

Điều chỉnh cân đối lượng thức ăn, tránh để thức ăn quá dư thừa gây ô nhiễm lồng. Vệ sinh lồng trước các bữa ăn của cá, vớt sạch thức ăn thừa rơi xuống đáy lồng.

Sau mỗi đợt thu hoạch phải kéo lồng lên quét vôi khung lồng hoặc vệ sinh với Iodine Violet pha 1ml với 2 lít nước, sau đó phơi nắng trong 1-2 ngày.

Kiểm tra, phát hiện kịp thời các mắt lưới gần rách, vết rạn nứt để vá lại ngay nhằm hạn chế cá thất thoát ra ngoài. Vào mùa mưa lũ, phải kiểm tra các dây neo lồng, di chuyển lồng vào vị trí an toàn khi có bão, lũ và nước chảy xiết.

c. Chăm sóc sức khỏe cá

Hằng ngày theo dõi sức khỏe cá, xử lý kịp thời các hiện tượng nổi đầu do thiếu oxy, cá ăn kém hay bỏ ăn, nhiễm độc do ô nhiễm hay bất kỳ các biểu hiện bất thường nào của cá.


Cho ăn đủ chất, đủ lượng, đúng khẩu phần, đảm bảo dinh dưỡng. Bổ sung men tiêu hóa Bio Bactil vào thức ăn giúp cá tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, tăng cường sức đề kháng. Sục khí tăng hàm lượng oxy, loại bỏ các cá thể bệnh ra khỏi vùng nuôi.

Dùng tinh dầu tỏi Licin garlic 2ml/kg thức ăn với tác dụng kháng khuẩn tự nhiên, phòng trị hiệu quả các bệnh do vi khuẩn ở đường ruột, tăng khả năng miễn dịch cho cá.

Thường xuyên treo túi vôi ở lồng nuôi cá, mỗi lồng treo 1- 2 túi ngập trong nước, mỗi túi chứa 2 - 3kg vôi để oxy hóa các khí độc thành dạng không độc cho cá.

Di chuyển lồng bè đến nơi khác nếu môi trường nước quá ô nhiễm. Cách ly những lồng bị bệnh xuống vị trí cuối dòng nước chảy, chữa trị kịp thời, hạn chế lây lan sang các lồng khác.

Trường hợp cá nuôi bị bệnh nặng và có khả năng lây lan nhanh, phải tiến hành thu hoạch cá (kể cả những lồng chưa bệnh, nếu đã đạt kích cỡ thương phẩm).

5. Thu hoạch

Sau 4-5 tháng cá nuôi đạt kích cỡ thương phẩm (khoảng 500g/con) thì tiến hành thu hoạch.

Giảm ăn 2-3 ngày sau đó ngừng cho ăn trong ngày cuối cùng trước khi thu cá.

Dùng lưới kéo cá, hạn chế đến mức thấp nhất việc làm cá sốc. Có thể thu tỉa hay thu hết một lần nhưng nên thu hoạch hết trong khoảng thời gian ngắn nhất định.

Ngày 11 - 11 - 2019
Phòng kỹ thuật An Bình
Chủ đề liên quan:
Bạn có biết?

Các loài giáp xác hạn chế sinh tổng hợp các acid béo HUFA, do đó bổ sung dầu cá trong thức ăn là cần thiết.

bởi Khuyết danh
Xem thêm
Bạn quan tâm đến nuôi thủy sản an toàn ? Gọi ngay để được tư vấn. call 09 1800 9102