Trùng quả dưa trên cá nước ngọt

Khi thời tiết thay đổi đột ngột nhất là khi trời mưa nắng thất thường hay mưa kéo dài. Những điều này sẽ làm các tính chất lý hóa của nước bị ảnh hưởng, và pH là yếu tố dễ bị biến động và gây ảnh hưởng nhiều nhất. Việc này cũng tạo những điều kiện thuận lợi cho nhiều mầm bệnh nhất là ký sinh trùng, trong đó đáng chú ý là trùng quả dưa phát triển mạnh và gây hại rất lớn đối với cá nuôi.
trùng quả dưa trên cá rô phi

Trùng quả dưa là gì?

Trùng quả dưa tên khoa học là Ichthyophthirius multifiliis, chúng có dạng rất giống một quả dưa, đường kính khoảng 0,5-1 mm. Toàn thân có nhiều lông tơ nhỏ, nhiều đường sọc. Giữa thân có một hạch lớn hình móng ngựa và một hạch nhỏ. Miệng ở phần trước, ⅓ cơ thể, hình gần giống cái tai, cộng thêm một không bào co rút nằm ngay bên cạnh miệng. Thân trùng mềm mại, có thể biến đổi hình dạng khi vận động. Ở trong nước, ấu trùng thường bơi lội nhanh hơn trùng trưởng thành.

Trùng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường, chúng không chịu được pH<5, oxy hòa tan<0,8mg/l và rất nhạy cảm với nhiệt độ. Trùng quả dưa thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, trời mát, nhất là ở vùng nhiệt đới. Nhiệt độ thích hợp nhất cho chúng phát triển là từ 25-26oC. Trùng thường gây bệnh nhiều trên cá nước ngọt, mà nhất là giai đoạn cá giống, cá hương. Ký chủ thường bao gồm các loài cá trắm cỏ, cá chép, cá mè trắng, cá mè hoa, cá trôi, cá rô phi, cá thát lát, cá tra, cá trê và một số loài cá nuôi cảnh cũng dễ nhiễm trùng này.

Vòng đời của trùng quả dưa

Giai đoạn ký sinh trên cá gọi là Trophont. Cơ thể có nhân hình móng ngựa đặc trưng được bao phủ trong lớp lông mao và trưởng thành trong lớp biểu bì. Giai đoạn này trùng có vỏ bọc, nên hóa chất không đi vào trong vỏ mà tiêu diệt chúng được. Do đó, trùng quả dưa là loài rất khó để diệt tận gốc. 

Giai đoạn quan trọng tiếp theo trong vòng đời của trùng quả dưa là khi trùng rời khỏi cơ thể cá, chuyển sang giai đoạn phân chia kết nang gọi là Tomont. Giai đoạn này chúng sẽ ngừng bơi, bám vào các cây cỏ thủy sinh và bắt đầu hình thành bào nang. Sau đó trùng sẽ bắt đầu sinh sản bằng cách phân đôi. Mỗi bào nang có thể chứa 1000-2000 tomites , thời gian để chúng phát triển hoàn chỉnh thường là 7 ngày ở nhiệt độ 25oC.

Khi ấu trùng phát triển đến mức thích hợp sẽ rời khỏi nang bao bọc, bơi lội trong nước và tìm kiếm ký chủ mới. Những ấu trùng này có thể sống lơ lửng trong nước đến 2-3 tuần. Thời gian phát triển của ấu trùng tùy thuộc vào nhiệt độ nước (khi nhiệt độ càng cao thì vòng đời của trùng quả dưa sẽ hoàn thành càng nhanh).

Dấu hiệu bệnh lý


Cá bị nhiễm trùng quả dưa thì trên da, mang, vây của cá có nhiều hạt tròn lấm tấm màu trắng, có thể thấy rõ bằng mắt thường. Da, mang cá bắt đầu tiết rất nhiều nhớt, chuyển sang màu sắc rất nhợt nhạt. Việc trùng bám đầy trên mang gây phá hoại biểu mô, làm cá ngạt thở, ngưng trệ hô hấp, lâu dài dẫn đến cá bỏ ăn và suy giảm sức khỏe nghiêm trọng.

Đối với cá cảnh, khi nhiễm trùng, cá sẽ rất hay cọ mình vào thành và các vật thể khác trong bể, quan sát được tần suất đóng mở nắp mang cao hơn.

Cá bệnh nổi trên mặt nước thành từng đàn, vì bị trùng bám nhiều mà chúng sẽ ngứa ngáy, bơi lờ đờ. Lúc đầu cá thường tập trung gần bờ, nơi có nhiều cỏ rác, tiếp sau cá tụ lại những chỗ nước ra vào. Khi đã quá yếu, cá chỉ còn ngoi đầu lên mặt nước để thở, đuôi bất động và cắm xuống nước. Cuối cùng cá lộn nhào mấy lần, rồi lật bụng, chìm xuống đáy mà chết.

Việc nhiễm trùng còn gây ảnh hưởng đến chức năng sinh lý, sinh hóa của cá. Protein trong huyết thanh giảm tới 2,5 lần, làm hoạt động của gan thận bị rối loạn, lượng tích lũy protein bị giảm mạnh, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi acid amin trong tế bào cá.

Phòng và điều trị trùng quả dưa


Phòng bệnh 


Tẩy dọn ao thật kỹ trước khi thả bằng vôi bột rải đều, phơi đáy ao từ 3-4 ngày để đảm bảo diệt hết bào tử. Tốt nhất nên có hệ thống lắng, lọc và xử lý nước cấp để hạn chế mầm bệnh.

Kiểm tra thật kỹ cá giống, vì giai đoạn này cá dễ bị nhiễm trùng quả dưa nhất, nếu phát hiện đàn cá bị nhiễm bệnh thì phải có biện pháp xử lý và loại bỏ ngay.
Trong quá trình nuôi nên làm sạch môi trường nước thường xuyên, áp dụng các phương pháp phòng bệnh tổng hợp. Dùng 1-1,5 kg muối ăn và 2kg vôi/100m3 nước, hoặc định kỳ xử lý nước ao 15-20 ngày/lần bằng Iodine Violet. Hút bùn đáy ao 2 tháng/lần đối với cá<300g và 1 tháng/lần đối với cá>300g.

Không thả cá với mật độ quá dày, định kỳ kiểm tra cá nuôi để biết chắc có bị nhiễm ký sinh trùng không mà điều trị, cách ly đàn và tiến hành khử trùng dụng cụ nuôi bằng Gluta S với liều lượng 1 lít/2000m3 nước. Cá bệnh tuyệt đối không thả chung với cá khỏe để hạn chế sự lây lan của trùng quả dưa.

Trị bệnh


Cá nước ngọt nuôi với mật độ cao rất dễ bị nhiễm trùng quả dưa, khi thấy các triệu chứng lở loét, cá ngứa ngáy, bơi lờ đờ, nên sử dụng sản phẩm trị ngoại ký sinh trùng Sepio, Sepio sẽ kiểm soát được nguyên sinh động vật và cả bào tử của trùng quả dưa gây bệnh trên cá. Định kỳ 5-7 ngày xử lý một lần: 1kg/5.000m3 nước. Chú ý sử dụng lúc trời mát, không dùng vôi trước và sau sử dụng 12 giờ. 

Đặc biệt giai đoạn trùng non còn lơ lửng trong nước mà chưa có ký chủ, chưa hình thành bào nang thì nên kịp thời chữa trị, bởi vì khi hình thành bào nang rồi thì trùng rất khó loại bỏ. Bên cạnh đó, khi cá mới bệnh có thể dùng BKC 80 để diệt trùng, khuẩn ao, diệt nấm, vi khuẩn, virus và kể cả các loại ký sinh trùng khác.
Ngày 16 - 11 - 2020
Phòng kỹ thuật An Bình
Bạn có biết?

Động vật thủy sản thải trực tiếp NH3 vào trong nước.

bởi Khuyết danh
Xem thêm
Bạn quan tâm đến nuôi thủy sản an toàn ? Gọi ngay để được tư vấn. call 09 1800 9102